“Nhiều người làm năng lượng tái tạo đã dời sang các lĩnh vực khác, bởi chờ đợi mãi mà các chính sách mới để phát triển điện mặt trời, điện gió vẫn chưa được cụ thể như giai đoạn trước.
Ngoài ra, câu hỏi về việc giá mua điện được quy định là VND thay vì là USD, sau đó quy đổi ra VND như trước hay phải đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng là những băn khoăn khiến không ít nhà đầu tư e ngại, và cân nhắc khi quyết định dấn thân sâu hơn”. Đây là chia sẻ của không ít nhân lực từng tham gia nhiều khâu ở các dự án điện mặt trời, điện gió về thực trạng đầu tư hiện nay của ngành năng lượng tái tạo.
Rà soát hàng loạt dự án năng lượng tái tạo
Sự trầm lắng trong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện nay còn có những tác động của một số nhân tố khác nữa. Đơn cử, các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ hay kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), liên quan một số dự án năng lượng tái tạo, đang thu hút sự quan tâm của không ít nhà đầu tư.
Theo Kết luận số 1027/KL-TTCP tháng 4/2023, trong số 168 dự án điện mặt trời tập trung với tổng công suất 14.707 MW được bổ sung vào quy hoạch điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020, có tới 154 dự án (tổng công suất 13.837 MW) là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Đáng nói, phần lớn các dự án này đã đi vào hoạt động và phát điện.
Ở mảng điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương cũng được cho là có sơ hở dẫn tới bất cập trong tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển loại hình này. Từ đó, nhiều hệ thống/cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn được đầu tư nhanh dưới mô hình đầu tư xây dựng mới trang trại, được hưởng cơ chế ưu đãi giá mua điện ở mức 8,3 UScent/kWh trong 20 năm. Vì vậy Thanh tra Chính phủ cũng chuyển thông tin kèm tài liệu tới Bộ Công an để xem xét.
Ngay cả việc Bộ Công thương tham mưu trình Chính phủ phê duyệt 106 dự án điện gió và trực tiếp phê duyệt 17 dự án điện gió trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, cũng được kết luận là không có tính tổng thể, thiếu căn cứ về quy hoạch.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương vào ngày 9/9 cho hay: Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cần có thời gian rà soát toàn bộ 154 dự án điện mặt trời được Thanh tra Chính phủ chuyển sang, nên Bộ chủ quản cũng chưa thể tham mưu hướng xử lý với các dự án điện mặt trời này, vốn cũng được lãnh đạo Chính phủ thúc giục nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.
Ngoài số 154 dự án điện mặt trời nói trên, cũng còn nhiều dự án điện gió khác đã/đang, thậm chí chưa đi vào hoạt động, được Bộ Công an đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp hồ sơ để nghiên cứu.
Chưa có cơ chế cụ thể, rành mạch thu hút đầu tư
Trong khi các dự án năng lượng tái tạo đã triển khai đang được cơ quan hành pháp rà soát lại hồ sơ, thì các chính sách về năng lượng tái tạo như mua bán điện trực tiếp (DPPA), điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi cũng đang rất được trông đợi. Tuy nhiên, thực tế ban hành Nghị định về DPPA cũng cho thấy: Dù được hoan nghênh nhưng để triển khai thực thi, cơ chế lại chưa rành mạch, rõ ràng và dễ dàng.
Đơn cử, bởi nhiều ý kiến cho rằng EVN độc quyền, dẫn tới tư tưởng “nếu có DPPA thì doanh nghiệp năng lượng tái tạo và khách hàng lớn có thể ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với nhau và không cần qua EVN”. Song, theo các quy định của Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, EVN vẫn có vai trò quan trọng trong việc quan hệ, thanh toán với cả bên bán năng lượng tái tạo cũng như với các khách hàng lớn. Như vậy, hợp đồng giữa bên bán và khách hàng lớn dẫu được ký trực tiếp với nhau dường như cũng không có tác dụng gì.
Theo chuyên gia Lã Hồng Kỳ, cần phải làm rõ sự ổn định trong quá trình cấp điện của năng lượng tái tạo. Các khách hàng lớn mua điện luôn cần sự ổn định, nên nếu không có bộ lưu trữ phù hợp, thì 10 MW điện mà năng lượng tái tạo bán lên lưới có sự khác biệt so với 10 MW điện mà khách hàng lớn mua từ lưới quốc gia có độ ổn định cao. “Không thể để năng lượng tái tạo cứ phát lên lưới xong thu tiền, còn hệ thống phải gia cố và tính các chi phí này vào giá thành sản xuất điện cho các khách hàng khác”, ông Kỳ nhận xét.
Ở điện mặt trời mái nhà, hiện Nghị định cũng chưa được ban hành. Tuy nhiên với thực tế đang xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương trong chuyện tham mưu cơ chế, chính sách điện mặt trời mái nhà trước đây, rất có thể các chính sách cũng không dễ thực thi, dù có được ban hành.
Với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, theo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước mà Bộ Công thương xây dựng, có thể thấy, tới năm 2030, vẫn sẽ khó có MW nào từ nguồn điện này được bổ sung vào hệ thống như Quy hoạch điện VIII đặt ra.
Ngoài câu chuyện vốn lớn (theo tính toán là khoảng 2,5-3 tỷ USD/1.000 MW) và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát, hiện các cơ sở pháp lý để phát triển điện gió ngoài khơi cũng chưa rõ ràng. Hiện, Việt Nam cũng chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư thực hiện. Ngay cả việc thí điểm để các tập đoàn nhà nước lớn như EVN hay PetroVietnam đứng ra chủ trì thì cũng chưa có cơ chế nào để triển khai, nên sẽ cần nhiều thời gian.
Điện khí sẽ thay thế than làm điện nền
Thường trực Chính phủ mới đây đã đề nghị Bộ Công thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân.
Hiện tổng công suất đặt của các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia là khoảng 84.931 MW. Trong số này, nhiệt điện than đang có công suất đặt là 27.531 MW, chiếm tỷ trọng 32,4% và nhiệt điện chạy khí cùng turbine khí hỗn hợp là khoảng 7.422 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 8,8%.
Việc chuyển sang điện khí cũng được cho là bước đi phù hợp điều kiện Việt Nam, nhất là trong thực tế hiện nay. Dẫu vậy, cũng còn những khó khăn cần giải quyết để điện khí phát triển mạnh hơn.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Hiện vướng mắc tại các dự án điện khí LNG chủ yếu liên quan việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết Thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải tỏa công suất; các đề xuất ưu đãi, bảo đảm đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp quy định pháp luật hiện hành…
Theo tính toán của Bộ Công thương, thời gian để hoàn thành lập, phê duyệt Hồ sơ Báo cáo khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết cho dự án điện khí LNG mất cỡ 2-3 năm. Sẽ mất từ 2-4 năm cho đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) và thu xếp vốn vay với sự tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư. Thời gian xây dựng đưa vào vận hành một nhà máy công suất khoảng 1.500 MW được cho là 3,5 năm.
Do thời gian lâu như vậy, nên các dự án điện khí đang triển khai hiện nay, nếu muốn đạt mục tiêu vận hành trước năm 2030, sẽ cần phải đàm phán xong PPA và thu xếp vay vốn trước năm 2027 - mà điều này thì lại không ai dám chắc. Cùng đó, chuyện đàm phán để EVN phải mua giá cao rồi bán lại giá thấp và gánh lỗ về mình, khi giá điện khí không hề rẻ nhưng lại muốn được ưu tiên đầu tư, chắc chắn sẽ không dễ dàng, và cũng đòi hỏi các bước đột phá quan trọng.
Nếu xét về sản lượng, nhiệt điện than vẫn đang đóng góp tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Cụ thể, năm 2022, sản lượng điện than đóng góp cho hệ thống là 95,627 tỷ kWh, thủy điện đóng góp 97,814 tỷ kWh và nhiệt điện khí đóng góp 28,772 tỷ kWh, tương đương lần lượt là 36% - 37% - 11%. Bước sang năm 2023, nhiệt điện than đóng góp 120.351 tỷ kWh, thủy điện đóng góp 81,614 tỷ kWh, nhiệt điện khí đóng góp 26,784 tỷ kWh, tương đương lần lượt là 44% - 30% - 10%. Tám tháng năm 2024, nhiệt điện than cũng chiếm khoảng 55% sản lượng điện cả nước sản xuất ra. |