Nắng Huổi Só, gió Tây Trang

Điện Biên, tháng Tư, dấu ấn mùa hoa miền sơn cước chỉ còn lác đác những chùm hoa trẩu, hoa ban sót lại đang thả mình bất chấp nắng gió. Trên cung đường đầy đèo dốc đang thi công, bụi đỏ mù mịt khắp không gian. Dưới cánh đồng Mường Thanh lúa đã trổ đòng, gió thơm đến nghẹn ngào lay động, thì Huổi Só, Tây Trang vẫn ngun ngún những vạt đồi nương đang đốt dở, người dân khắc khoải chờ mưa. Mùi khói đặc quánh khiến những cơn gió vốn đã mang hơi nóng càng thêm bức bối, ngột ngạt, đúng như thành ngữ: Nắng Huổi Só, gió Tây Trang.
0:00 / 0:00
0:00
Bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên bên dòng sông Đà. (Ảnh LỮ MAI)
Bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên bên dòng sông Đà. (Ảnh LỮ MAI)

Phải mất hơn ba giờ đồng hồ di chuyển bằng phương tiện xe máy chúng tôi mới vượt qua chặng đường chỉ hơn 50 km từ trung tâm huyện Tủa Chùa đến xã Huổi Só. Lúc còn ở thành phố Điện Biên Phủ, có cán bộ tỉnh đã nhắc: “Tủa Chùa là huyện khó khăn nhất tỉnh, Huổi Só lại là xã khó khăn nhất huyện, cách trung tâm thành phố gần 200 km. Lâu nay, các đoàn công tác thường đi vào bằng ô-tô bán tải, còn xe máy thì chưa thấy ai…”.

Nhọc nhằn mà nên thơ…

Đến được Huổi Só, phải vượt hơn 20 km đường đèo đến xã Xá Nhè, tiếp tục men theo con đường ven sườn núi hướng Đông Bắc, cắt ngang các dãy núi hiểm trở bằng đường Tủa Thàng-Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10 km.

Chặng đường này đang thi công nên cứ đi một đoạn lại gặp cảnh đất đá ngổn ngang, máy xúc máy cẩu làm việc hết công suất. Các thanh niên người dân tộc H’Mông được thuê đứng ở hai đầu công trường, chăng dây ngăn người và phương tiện qua lại.

Họ sẽ dùng bộ đàm liên lạc với công nhân điều khiển máy, chừng nào nhận được tín hiệu đồng ý, các máy di chuyển vào vị trí thuận lợi, dừng hoạt động thì sợi dây ba-ri-e mới được mở ra cho người đi đường. Bấy giờ, chúng tôi mới hiểu vì sao trước đó người dân ở đây tiết lộ: “Đi dịp này dễ bị… tắc đường!”.

Thấy những vẻ mặt sốt ruột, lại đã hỏi thăm được thông tin của đoàn công tác, cậu thanh niên liên tục nói vào bộ đàm ý muốn dành sự ưu tiên. Có tín hiệu đồng ý, anh không vội mở ba-ri-e ngay mà tiếp tục yêu cầu tổ máy: “Mọi người cẩu hết mấy hòn đá to sang một bên, người dưới xuôi không quen đi thế đâu”.

Cảm mến sự nhiệt thành, tốt bụng, chúng tôi hỏi tên, chàng thanh niên cười xòa không nói, anh chỉ tay về phía mặt trời lặn: “Bản em ở dưới kia, lúc nào ghé được, các anh chị nhớ nhé!”. Chúng tôi nhìn về hướng ấy, một bản làng nhỏ xinh, những nóc nhà tin hin nép mình giữa bốn bề mây, núi.

Chọn chặng đường này, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ xuyên qua trục dọc của tiểu vùng văn hóa người Dao ở huyện Tủa Chùa - nơi có nhiều cao nguyên đá hùng vĩ nằm ở các xã Sính Phình, Tả Phìn, chỉ xếp sau cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang về độ rộng lớn, tầng lớp. Về phương diện địa lý, Huổi Só cũng là vùng đất đặc biệt, có vị trí tiếp giáp ngã ba sông

Đà - ngã ba tam tỉnh: xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và xã Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Theo tiếng Dao, Huổi Só nghĩa là khe suối. Dường như, bởi lẽ này, cho nên suốt chặng đường đi, dù nắng gió, hiểm trở, chúng tôi vẫn không thôi mường tượng về những bản nhỏ nép mình bên dãy núi cao, nhìn ra sông Đà mùa nước xanh trong như màu ngọc lục bảo.

Hạ dần độ cao, từ xa, chúng tôi đã thấy cầu Pa Phông mầu đỏ đậm bắc qua lòng hồ sông Đà trên con đường độc đạo nối trung tâm xã Huổi Só với bản Huổi Lóng. Đây là vị trí lưu vực sông Đà vặn mình, lấn sâu vào tạo nên vùng vịnh nhỏ trong sự hòa hợp đầy kỳ vĩ. Cây cầu tựa chiếc đòn gánh, hai đầu là những vách đá dựng đứng, chồng chồng lớp lớp, cao ngút tạo nên một kiệt tác hiếm có.

Cạnh cầu Pa Phông là homestay của gia đình chị Quàng Thị Hoa (sinh năm 1989), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huổi Só. Chồng chị tên Dành, người Dao quần chẹt. Homestay mới được triển khai tháng 8/2023 trong điều kiện vẫn chưa có điện sáng. Ánh mắt chị Hoa không giấu nổi sự bối rối, áy náy khi khách phải dùng nước lạnh.

Vợ chồng chị tiêu biểu cho thế hệ người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, góp sức mình mang đến sự đổi thay trên miền đất nhiều gian khó. Vì hoàn cảnh gia đình, chị đi học khá muộn, trạc tuổi cô giáo đứng lớp, nhưng chị đã không ngừng vươn lên, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân rồi về địa phương làm cán bộ, hăng say phát triển kinh tế gia đình, hướng dẫn bà con lao động sản xuất, cải thiện đời sống.

Bữa tối trên mặt bàn gỗ hướng ra sông Đà được vợ chồng chị Hoa chế biến, bày biện đầy bản sắc với các món ăn đặc trưng của người Thái, người Dao. Đậm đà, khó quên nhất phải kể tới món cá nướng với bí quyết gia vị từ núi rừng.

Anh Dành hồ hởi giới thiệu, cá bắt dưới lồng lên, chính nhà nuôi. Sau khi được chính quyền địa phương vận động và tham gia lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản, anh chị đã đầu tư nhiều lồng cá với đủ loại. Nhờ tận dụng điều kiện tự nhiên, chăm sóc tốt, cũng như áp dụng khoa học vào chăn nuôi, chủ động phòng trừ dịch bệnh, mô hình nuôi cá lồng của gia đình phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định và họ trở thành hộ làm kinh tế tiêu biểu của xã.

Mỗi năm, hộ anh Dành chị Hoa thu hơn 5 tấn cá thương phẩm. Trừ tất cả chi phí, thu nhập bình quân đạt hơn 150 triệu đồng một năm. Nhờ vậy, nhà có của ăn của để, chăm lo được cho con cái học hành.

Ai đó ngỏ lời: Nhìn trên bản đồ, Huổi Só có hình dáng như chiếc rìu hoặc bao đựng dao đi rừng. Như bắt đúng nhịp sống của bản làng, chị Hoa nở bừng nụ cười tươi tắn. Vừa tiếp khách, chị vừa chuyện trò giới thiệu về lịch sử mảnh đất này một cách ấm áp, gần gũi như thể chị là người con của đất này chứ không phải cô gái Thái theo chàng trai người Dao về làm dâu Huổi Só.

Người xưa kể lại, thuở những người Dao đầu tiên đi tìm nơi dựng bản, tới đây, lúc phát quang cây bụi đã vô tình đánh rơi chiếc bao đựng dao xuống suối, lúc nhặt lên cá đã chui đầy. Lại thấy trên đất này cũng có những cây mía mọc hoang dài tới hàng chục dóng. Vừa thỏa cơn đói khát, vừa như gặp được điềm báo đất lành, có thể sống cuộc đời no ấm, những người Dao đi mở đất bèn ở lại, san đồi núi, dựng nhà.

Đến nay, họ đã trải qua sáu đời. Trước khi có tên gọi Dao quần chẹt, gốc gác họ được gọi là Dao lẻn tẻn (lẻn tẻn có nghĩa là chàm - dấu ấn màu sắc chàm trên trang phục). Chiếc quần của đồng bào Dao trước đây cũng là ống rộng, ngắn trên mắt cá chân. Sau này, có sự giao thoa văn hóa giữa các ngành Dao khu vực Tây Bắc, người Dao ở đây đã thay đổi trang phục thành quần ống nhỏ, dài đến mắt cá chân và cái tên Dao quần chẹt bắt đầu từ đó.

Với người Dao ở Huổi Só, sông Đà là nhân chứng cho bao nỗi nhọc nhằn và đổi thay. Từ khi công trình thủy điện Sơn La được hoàn thành, vùng trũng các xã Huổi Só, Sín Chải và Tủa Thàng chìm dưới làn nước. Các hộ dân lên vùng cao hơn, tập trung ở bản tái định cư và hầu hết vị trí đều nhìn xuống bản làng xưa cũ. Ai đó trong đoàn bất chợt đọc câu thơ: “Dẫu chìm giữa xanh trong/ Ta vẫn gặp những người con gái thêu khăn/ Rút từng sợi bình minh se chỉ đỏ”.

Theo bà con lên những nương sắn cheo leo ở sườn núi cao ngất giữa ban trưa mới thấm thía thế nào là “nắng Huổi Só”. Nắng làm khô quắt cây rừng. Chói vào từng nhát cuốc. Những vạt áo chàm vừa sũng ướt mồ hôi, nắng đã sấy khô cong.

Huổi Só có diện tích tự nhiên gần 6.500 ha, núi đá chiếm đến hơn 60% diện tích, toàn xã có hai cộng đồng dân tộc chính là H’Mông và Dao, trong đó cộng đồng Dao chiếm hơn 75% tổng dân số. Cộng đồng dân tộc Dao đang gìn giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa từ đời sống thường nhật và cao hơn là tín ngưỡng như: lễ cúng nương, cúng lập thu, cúng cơm mới, cúng Bàn Vương…, trong đó, Lễ Cấp sắc đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sắc chàm Huổi Lóng xanh sâu…

Ngày hôm sau, tạm biệt vợ chồng chị Quàng Thị Hoa, chúng tôi tiếp tục hành trình đến bản xa nhất của Huổi Só là Huổi Lóng - nơi đồng bào Dao sinh sống đông nhất so với các bản còn lại. Huổi Lóng cũng là bản duy nhất của xã có chợ phiên tổ chức bốn phiên một tháng trên sông Đà với nhiều hàng hóa, nông sản theo thuyền bè quy tụ.

Ghé bất cứ nhà nào trong bản, đều dễ dàng bắt gặp các bà, các chị với mái tóc đen mượt rẽ những đường ngôi đặc trưng, mặc trang phục truyền thống đang cần mẫn dệt vải. Trang phục phụ nữ Dao quần chẹt ngoài sắc chàm sâu lắng, vạt áo dài dắt hờ bên hông một cách duyên dáng, ý nhị còn thêm điểm nhấn là chùm tua rua đủ màu sắc xanh, đỏ, hồng buông từ cổ xuống ngực, ánh lên gương mặt mộc mạc sắc thái tươi vui như màu nắng xứ này.

Người Dao nói chung rất coi trọng trang phục truyền thống. Phụ nữ tự trồng bông, tự dệt trang phục cho đủ thành viên trong gia đình. Các công cụ trong nghề dệt, gồm: Cần bật bông, que cuốn bông, công cụ kéo sợi, khung dệt. Giữa năm, bà con chọn ngày nắng đẹp để thu hoạch, phơi nắng để bông khô và trắng, sau đó mới tách bông khỏi hạt, dùng dây bật cho tơi để quay xe sợi tạo thành chỉ.

Cuối cùng dùng khung để dệt thành vải. Muốn tấm vải đẹp, sợi vải phải chắc chắn, đều tay. Khung dệt của người Dao quần chẹt làm bằng thân cây gỗ già, lắp ghép bằng bốn cột trụ ở bốn góc, phía trên đỉnh được nối ghép bởi hai xà ngang và hai xà dọc; bộ chia sợi, chải sợi được làm bằng tre hoặc gỗ. Trông giản đơn là vậy nhưng khung cửi rất vững chãi, nhịp nhàng, tạo sự thoải mái cho người ngồi dệt cả ngày, cả buổi. Riêng quy trình nhuộm vải màu chàm thì quá công phu, các công đoạn từ giã lá, lọc, nhuộm, hong… đòi hỏi sự liên tục. không gián đoạn, bởi thế áo người Dao luôn bền đẹp dù trải qua bao mưa nắng, dãi dầu.

Phụ nữ Dao vốn giỏi thêu thùa, riêng phụ nữ ngành Dao quần chẹt đặc biệt cao tay ở khâu ghép vải. Trên cổ tay áo, viền nẹp áo là những chi tiết rất nhỏ thể hiện sự công phu, tỉ mỉ. Từ các khổ vải màu sắc khác nhau, họ đính, ghép tạo thành từng viền màu nhỏ mà không bị dày, cộm, bằng mắt thường ta chỉ nhìn thấy những đường màu sắc nhỏ hết sức đều đặn, tinh tế.

Cảm giác hơi đáng tiếc khi nghề trồng bông, dệt vải của đồng bào mới ở mức tự cung, tự cấp, chưa mang lại thu nhập chính và hướng đến thị trường. Mẹ thiên nhiên ban tặng cho Huổi Só mùa nắng chan hòa, nhiều khi chói gắt. Nhưng bà con lấy đó làm vui bởi bông sẽ được mùa, khắp bản sẽ đều đều tiếng khung dệt cửi.

Và rồi, khi có được những tấm vải thô nhuộm chàm, bao đôi tay khéo léo đã thêu theo trí tưởng tượng và mơ ước ngàn đời. Có khi là những vạt đồi núi nối tiếp nhau như không có điểm dừng. Có khi là bông lúa uốn cong, là bắp ngô đẫy hạt. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, đồng bào dân tộc Dao ở Huổi Só đã lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình một cách lặng lẽ và bền bỉ.

Huổi Lóng có Nghệ nhân Ưu tú Phàn Quang Châu (sinh năm 1952), được Nhà nước công nhận và khuyến khích truyền dạy các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao. Vai trò của ông với cộng đồng đặc biệt quan trọng. Từng là một người lính tham gia bảo vệ Tổ quốc, khi đất nước thanh bình, ông chú trọng bảo tồn, thực hành các nghi lễ truyền thống và tinh hoa văn hóa dân tộc mình. Từ năm 2000 đến nay, nghệ nhân luôn đứng lớp dạy chữ Dao, lúc cao điểm có tới 70 người. Ông vừa lưu giữ nhiều bộ sách cổ và ghi chép, nghiên cứu, lan tỏa đến cộng đồng.

Trên hành trình rong ruổi Điện Biên, chúng tôi cũng kịp biết thế nào là “gió Tây Trang” gắn với câu “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” vốn đã trở thành nỗi ám ảnh của bao thế hệ con người bám trụ và bảo vệ đất biên cương. Người dân vùng cực Tây ở Điện Biên tâm sự, hoa ban là nàng tiên của núi rừng, nhưng hễ năm nào hoa nở càng nhiều thì nắng gió càng dữ dội, cứ ào ào như bão tràn về những cánh rừng bên kia biên giới. Tháng Tư vốn chưa phải mùa cao điểm, nhưng mỗi chặng đường chúng tôi đều thêm thấm thía tinh thần chịu đựng, hy sinh của bao thế hệ con người đã góp sức lực, tinh thần cho Điện Biên hoa lửa.