Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các địa phương ở Quảng Bình chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường, tạo dựng cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp.
Làng sạch, xã đẹp
Xuân Thủy là xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy trước đây đường sá vốn chật hẹp. Nhiều khu dân cư sình lầy do chưa chú trọng việc thoát nước. Hằng năm, xã bị ngập lụt nên hoạt động bảo vệ, giữ gìn môi trường chưa bảo đảm. Khi bắt tay xây dựng NTM, xã Xuân Thủy chọn các tiêu chí giao thông và môi trường làm khâu đột phá. Được tuyên truyền, vận động, người dân hiểu ra rằng, muốn NTM thì trước hết đường phải rộng, sạch và mát. Chỉ trong thời gian ngắn được vận động, xã Xuân Thủy đã mở rộng mặt đường liên thôn, xóm từ 4 m trở lên và 100% tuyến đường được cứng hóa. Cùng với đó là hệ thống rãnh thoát nước được chỉnh trang, có nắp đậy an toàn. Hai bên đường, người dân trồng hoa, cây cảnh tạo nên không khí dịu mát. Mỗi nhà có một giỏ rác để có người thu gom hằng ngày. Hệ thống nước sinh hoạt cũng được đưa đến từng nhà. Phía bờ sông Kiến Giang, bà con động viên nhau góp công, góp tiền mua các bộ ghế đá, trồng nhiều thảm hoa, cây bóng mát, tạo thành các tiểu công viên đẹp mắt, trở thành nơi người dân thư giãn cuối ngày làm việc.
Cũng nhờ huy động hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ môi trường, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa đã giải được "bài toán khó" về thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn. Đại diện Ủy ban nhân dân xã Mai Hóa cho biết, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường ở các khu dân cư, địa phương triển khai mô hình "Xã hội hóa thu gom rác thải" nhằm huy động mọi nguồn lực, thành phần chung tay bảo vệ môi trường. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất. Ủy ban nhân dân xã phối hợp với các cơ quan chức năng đổi mới việc cung cấp nước sinh hoạt, xóa mô hình cấp nước tập trung mà đưa nước đến tận nhà dân thông qua các hệ thống ống đấu nối "xương cá". Ủy ban Mặt trận xã vận động, chỉ đạo tổ chức thu phí vệ sinh môi trường và số tiền này dùng để chi trả cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Các tổ chức chính trị-xã hội của xã cũng vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các đoạn đường tự quản, đường hoa ở các khu dân cư, thu gom vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế ô nhiễm đồng ruộng. Chỉ sau một thời gian triển khai mô hình, Mai Hóa giải quyết được các bức xúc do rác thải gây ra, mang lại cảnh quan môi trường sống lành mạnh cho người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang đánh giá, thành công của công tác bảo vệ môi trường ở Mai Hóa là tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm về giữ gìn môi trường sống. Tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM của Mai Hóa đạt rất cao, thành điểm sáng xây dựng NTM địa phương.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay tỉnh Quảng Bình có 107/128 xã đạt tiêu chí môi trường. Từ đó, hình thành nhiều ngôi làng xanh, sạch, đẹp và xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Bảo vệ môi trường sống bền vững
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở Quảng Bình vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhiều xã được công nhận xã NTM nhưng kết quả của tiêu chí môi trường còn tương đối thấp hoặc thiếu bền vững. Do địa hình vừa đồi núi, vừa thấp trũng, dân cư sống không tập trung nên việc cung cấp nước sạch, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số khu vực nông thôn gặp nhiều trở ngại. Mỗi năm, sau các trận lũ lụt xảy ra trên diện rộng, công tác xử lý môi trường để ổn định cuộc sống cho người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương thiếu nhân lực, phương tiện chuyên dụng để thu gom rác thải và phần lớn rác thải đều chôn lấp nên ô nhiễm vẫn xảy ra...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm, xác định vấn đề môi trường-cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, tỉnh Quảng Bình tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM. Cụ thể, địa phương có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý rác thải; ban hành cơ chế hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô 300 con trở lên, đầu tư hoàn thiện công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư công nghệ cao ứng dụng vào vận hành xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm. Tỉnh đổi mới phương thức đầu tư, quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn theo hướng nâng quy mô, công suất cung cấp, chuyên môn hóa khâu quản lý và vận hành, hình thành những công trình cấp nước liên vùng, liên xã và đưa nước về tới tận hộ dân. Ở nông thôn, tỉnh triển khai mô hình đồng bộ hóa trang thiết bị từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt kết hợp với tăng cường quản lý để mang lại hiệu quả thiết thực. Điều quan trọng là huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển môi trường bền vững để tạo nên những vùng quê "đáng sống".