Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn

NDO -

NDĐT – Các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà khoa học và đại diện nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã cùng đưa ra ý kiến thống nhất về việc sẽ thực hiện nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn.

Các ý kiến phản biện tại Hội nghị.
Các ý kiến phản biện tại Hội nghị.

Nguy cơ đối diện với an ninh rác thải

Đà Nẵng chỉ có một khu vực xử lý chôn lấp rác tại Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu). Tuy nhiên, bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hướng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng ngàn người dân đang sinh sống khu vực phường Hòa Khánh Nam. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri và gặp mặt các hộ dân, mọi người đều mong muốn thành phố tiến hành di dời.

Thành phố cũng đã khảo sát để thực hiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang với diện tích 100 ha thay bãi rác Khánh Sơn. Nhưng sau khi khảo sát, vẫn còn nhiều tồn tại về vị trí, địa chất và giao thông.

Mỗi ngày Đà Nẵng có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn. Từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 3 triệu tấn rác được chôn lấp.

Hợp phần chôn lấp chất thải rắn gồm năm hộc rác với diện tích 13,83 ha. Trong khi đó, đã có hai hộc rác được phủ bạt và ngừng chôn lấp, ba ô rác còn lại vẫn đang được vận hành. Tuy nhiên, hộc rác hiện tại không có hệ thống thu hồi khí rác nên lượng khí phát sinh từ các hộc rác phát tán tự nhiên, tăng nguy cơ cháy nổ.

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chất thải rắn tăng từ 8–10%. Dự kiến, từ năm 2020-2025 sẽ tăng lên 1.800 tấn rác/ngày đêm; và 2.400 tấn/ngày đêm vào 2025-2030.

Tuy nhiên, với lượng rác phát sinh như hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng tính toán đến tháng 9-2019, các ô rác sẽ đầy. Nguy cơ thành phố phải đối mặt với vấn đề an ninh rác là thực sự nghiêm trọng.

Nâng cấp bãi rác gắn với lợi ích của người dân

Trước tình hình đó, thành phố Đà Nẵng đã thống nhất định hướng triển khai Nâng cấp, cải tạo khu vực Bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn để bảo đảm xử lý chất thải rắn của thành phố trong tương lai gần.

Theo đó, việc đầu tư nâng cấp sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xử lý chất thải, hiện đại và khôi phục lại môi trường sạch tại khu vực. Trong đó, gồm các hạng mục: Đầu tư các Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến; nâng cấp, cải tạo các hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn hiện hữu; quy hoạch lại khu vực bãi rác Khánh Sơn; nghiên cứu đền bù giải tỏa các hộ dân không bảo đảm khoảng cách an toàn…

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Nâng cấp Bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP Đà Nẵng, diễn ra ngày 20-6 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng chủ trì, các ý kiến đưa ra đều thống nhất định hướng của thành phố.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Quang (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) mong muốn thành phố triển khai quy hoạch sớm nhất có thể. Tuy nhiên, cần lựa chọn công nghệ đốt và công nghệ kiểm soát ô nhiễm khí thải hiệu quả để tạo môi trường an toàn cho người dân quanh khu vực.

Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cũng đồng ý, thống nhất với chủ trương của thành phố: “Do nằm quá gần với khu dân cư trục đường Hoàng Văn Thái, nên thành phố cần nghiên cứu rộng hơn đến hành lang chung quanh, trồng nhiều cây xanh, cải thiện hệ thống môi trường cho người dân; công khai số liệu quan trắc để người dân yên tâm”, ông Hải nhấn mạnh.

Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn mang tính rời rạc, xử lý tình huống, chưa mang tính tổng thể, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Chính vì vậy, việc thành phố định hướng quy hoạch nâng cấp bãi rác Khánh Sơn trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, gắn với quy hoạch chung và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết vấn đề xử lý chất thải rắn của thành phố, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thì việc nâng cấp cũng cần gắn liền với lợi ích, cuộc sống và sinh hoạt của người dân như ý kiến của các tầng lớp nhân dân đã đưa ra; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, dân cư khu vực Khánh Sơn.