Nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm cả ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học lẫn trên phương tiện công cộng. Điều đó có nghĩa, tỷ lệ người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc do người khác hút đang giảm.

Đoàn viên thanh niên TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đoàn viên thanh niên TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đánh giá trên được đưa ra sau hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành được thực hiện trong thời gian gần đây. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%... Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% (năm 2007) xuống 2,5% (năm 2014) và 90% số học sinh đang hút thuốc có ý định cai thuốc. Tỷ lệ này cho thấy, hiện nay việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và có xu hướng giảm ở lứa tuổi học sinh của Việt Nam.

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đã có 62 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động... Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc tại tỉnh Bắc Ninh; Lễ hội Biển chủ đề “Nha Trang - thành phố không khói thuốc”; diễu hành với chủ đề: Hội An, thành phố du lịch không khói thuốc... Mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đang được triển khai tại: Huế, Nha Trang, Hải Phòng, Hạ Long, Hội An...

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được triển khai đồng bộ... Bên cạnh thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), Bộ Y tế, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá kêu gọi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có những hoạt động thiết thực giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá. Mỗi địa phương, đơn vị cần đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan đơn vị; lãnh đạo các cơ quan gương mẫu không hút thuốc, vận động cán bộ thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá. Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới cùng Ban Thư ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá kêu gọi các quốc gia thành viên sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bao trơn. Bao bì thuốc lá trơn là bao bì in theo chuẩn chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng lô-gô, mầu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá. Tên sản phẩm, thương hiệu thuốc lá trên bao bì chỉ được phép in theo một mầu sắc và kiểu phông chữ chuẩn theo quy định. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá, hạn chế sử dụng bao bì thuốc lá như một hình thức quảng cáo; hạn chế việc in các thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người sử dụng trên vỏ bao; làm tăng hiệu quả của các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Được biết, đến tháng 5-2016 đã có một số nước đã thực hiện đóng gói thuốc bao trơn; một số nước khác cũng đang trong giai đoạn xem xét thông qua luật thực hiện bao bì trơn.