Nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại

NDO -

Sáng 16/6, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức Hội nghị Tổng kết các hoạt động truyền thông và trao thưởng Cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”, hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về phòng, tránh tai nạn bom mìn 4/4/2022.

Trao giải thưởng tặng các cá nhân đoạt giải trong Cuộc thi.
Trao giải thưởng tặng các cá nhân đoạt giải trong Cuộc thi.

Trên cơ sở thành công của cuộc thi trực tuyến những năm qua, ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án và đưa ra những hình thức đổi mới về nội dung và hình thức thi so với năm 2021 để cuộc thi thu hút được nhiều người tham gia hơn. Sau một tháng triển khai (từ ngày 4/4-4/5/2022), Cuộc thi đã có 1.360.372 lượt người tham gia. Số thí sinh trải đều trên 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cuộc thi đã đạt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia dự thi, trong đó có nhiều thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu và sống an toàn trên các vùng đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

Hoạt động này cũng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau; khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam.

Dịp này, Ban Tổ chức đã trao 16 giải thưởng tặng các cá nhân đạt giải trong cuộc thi, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, Trung tâm cần phối hợp các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ cuộc thi lần này để kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam.

Trung tâm cần tiếp tục tuyên truyền về tác hại, hậu quả, phổ biến kiến thức, biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh gây ra; về kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả, những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, kể cả những khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra... Qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Đồng thời, Trung tâm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp để các chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về những hậu quả vô cùng nặng nề và quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam trong giải quyết vấn đề này, tạo sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế.