Nâng cao năng lực tiêu thoát và xử lý nước thải

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, theo kịp tốc độ đô thị hóa của thành phố. Tình trạng xả nước thải, chất thải không đạt quy chuẩn vào các sông, ao, hồ, kênh mương diễn biến phức tạp, dẫn đến ngập lụt mỗi khi mưa lớn, chất lượng môi trường mặt nước nhiều sông, hồ, ao bị suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
 Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét hệ thống thoát nước.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét hệ thống thoát nước.

Bài 1: Hạ tầng hạn chế

Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội chia thành ba vùng chính gồm: Tả Đáy, hữu Đáy và bắc Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có có lưu vực sông Tô Lịch, thuộc một phần nhỏ vùng tả Đáy có hệ thống thoát nước được cải tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước, còn lại phần lớn đều tự tiêu thoát.

Huyện Thanh Trì là địa bàn trũng thấp, tập trung lượng lớn nước thải của thành phố dồn về. Vì thế, huyện rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Huyện đã tập trung cải tạo các hồ, ao trong khu dân cư; tiến hành giải tỏa hành lang hai bên sông kết hợp nạo vét, khơi thông dòng chảy các dòng sông chảy qua địa bàn; đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải riêng biệt khi đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông lớn…

Tuy nhiên, cả ba dự án xử lý nước thải chưa được triển khai. Tình trạng úng ngập khi xảy ra mưa lớn vẫn diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong nhân dân. Anh Nguyễn Gia Toàn, người dân thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết, tuyến đường Tân Triều mới nối từ đường Chiến Thắng đến cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, có hệ thống cống lớn để thoát nước mưa, nhưng tình trạng ngập úng tại đây diễn ra thường xuyên.

Khi có mưa lớn, nước từ dưới cống tràn lên mặt đường qua các hố ga. Nguyên nhân là do phía cuối tuyến đường, cạnh cụm công nghiệp làng nghề, tuyến đường giao thông kèm hệ thống thoát nước theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến toàn bộ nước mưa, nước thải chảy đến đây bị chặn lại, tự tiêu qua mương thoát nước nhỏ. Vì thế, nước mưa, nước thải rất khó tiêu thoát, gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại huyện Hoài Đức, địa phương tập trung rất nhiều làng nghề chế biến nông sản, hệ thống hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải cũng rất hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân chính “cản bước” huyện phát triển thành quận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Anh cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện mới đầu tư hệ thống thu gom nước thải tại một số khu đô thị; chín cụm công nghiệp và một số tuyến đường hạ tầng khung đang được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng, còn lại nước thải khu dân cư vẫn thoát chung với hệ thống thoát nước mưa.

Nước thải làng nghề của ba xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế được xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, còn lại 17 xã, thị trấn trên địa bàn chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh. Nước thải chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại cho nên chưa đạt tiêu chuẩn, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.

Báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, đơn vị được giao thực hiện sáu gói thầu quản lý, duy trì hệ thống thoát nước, hai gói thầu quản lý, vận hành và bảo dưỡng trạm xử lý nước thải. Công ty thường xuyên thực hiện duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; chủ động xây dựng Trung tâm điều hành thoát nước; xây dựng phương án vận hành các trạm bơm, cửa điều tiết phù hợp… giúp cho việc tiêu thoát nước nhanh chóng.

Tuy nhiên, công ty gặp không ít khó khăn trong việc quản lý, điều hành hệ thống tiêu thoát nước. Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, hiện có 96 hạng mục thoát nước, trong đó 22 hạng mục công trình thoát nước thuộc dự án Thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội đã thi công xong và sử dụng từ những năm 2013-2016, nhưng chưa bàn giao về đơn vị thoát nước quản lý. Hệ thống thoát nước một số khu vực phố cổ, phố cũ được xây dựng từ trước năm 1954 đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chưa được đầu tư nâng cấp. Nhiều khu đô thị không xây dựng đồng bộ hạ tầng thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh thảm cỏ và sử dụng vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm, gây quá tải hệ thống thoát nước đô thị…

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay thành phố đã xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở với công suất bơm tiêu 90m3/giây; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương, cống tại khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, giải quyết cơ bản được tình trạng úng ngập những trận mưa có cường độ 310mm trong hai ngày.

Về xử lý nước thải, thành phố đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long-Vân Trì, Kim Liên và Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây; đồng thời đang triển khai dự án xây dựng hệ thống Xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3 ngày đêm.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải chưa nhịp nhàng dẫn đến việc triển khai các dự án xử lý nước thải chậm tiến độ. Một số dự án trạm xử lý nước thải đã thi công xong, nhưng chưa đưa vào vận hành được do chưa xác định đơn giá…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công thẳng thắn, mặc dù nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng, nhưng từ năm 2016 đến nay, các dự án đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng kịp yêu cầu đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Nhiều dự án thiếu đồng bộ giữa mạng lưới và hệ thống đấu nối gây lãng phí, hiệu quả không cao ■

(Còn nữa)