Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Cục báo chí, Vụ Báo chí và Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thuộc Bộ thông tin và Truyền thông, đại diện Công ty Google tại Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan báo chí tại Hà Nội.
3 khóa đào tạo tổng quan và 2 khóa chuyên sâu
Phát biểu khai mạc Chương trình đào tạo, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết có hai câu chuyện được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đó là chuyển đổi số báo chí và kinh tế báo chí. Đây cũng là trăn trở, nhiệm vụ mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí xác định là trọng tâm trong năm nay và những năm tiếp theo.
Nhằm góp phần thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí đã hợp tác với Google để triển khai chương trình “Sáng kiến Tin tức Google” (Google News Initiative - GNI) ở Việt Nam. Theo bà Giang, từ khi ra mắt, GNI đã hỗ trợ hơn 6.000 cơ quan báo chí ở 118 quốc gia trên toàn cầu, tập trung vào 4 hoạt động chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, cải tiến các mô hình kinh doanh, hỗ trợ các tòa soạn thông qua đổi mới công nghệ và gắn kết cộng đồng báo chí toàn cầu.
Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu khai mạc. |
Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo chuyển đổi số báo chí được triển khai ở Việt Nam nhằm giúp các cơ quan báo chí Việt Nam chuyển đổi số thành công và tăng cường hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam.
Chương trình gồm 3 khóa đào tạo tổng quan với sự tham gia của hơn 200 cơ quan báo chí, cung cấp kỹ năng số theo 4 chủ đề: phát triển độc giả, xây dựng và khai thác dữ liệu, tối ưu hóa doanh thu quảng cáo, và xây dựng doanh thu từ độc giả. Tiếp sau các khóa tổng quan sẽ là 2 khóa đào tạo chuyên sâu trong tháng 10 và tháng 11/2022 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến dành cho đại diện từ 60 cơ quan báo chí, để trao đổi sâu hơn 4 chủ đề nói trên.
Bốn giảng viên sẽ đồng hành xuyên suốt chuỗi khóa học của Chương trình, gồm Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông; ông Káp Thành Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tri thức trực tuyến, chuyên gia báo chí; ông Trương Trí Vĩnh, chuyên gia báo chí; ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus.
Xây dựng văn hóa ‘Lấy độc giả làm trung tâm’
Nói về Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí”, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác Chiến lược ngành Tin tức & Xuất bản, Đông Nam Á của Google, cho biết các khóa học của Chương trình sẽ làm rõ các vấn đề như: cơ quan báo chí cần làm gì để tăng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số, đâu là yếu tố then chốt để cơ quan báo chí thu hút và giữ chân độc giả, làm cách nào để xây dựng và phát triển mô hình Doanh thu từ độc giả…
Chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh chia sẻ tại khóa học. |
Tại khóa học, chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh, nguyên Giám đốc điều hành CafeF đã chia sẻ về chủ đề “Xây dựng chiến lược đề tài chuyển đổi số thành công”, trong đó nhấn mạnh 3 khía cạnh: “Định nghĩa sứ mệnh và giá trị”, “Lập chiến lược” và “Xác định cam kết giá trị”.
Theo ông Vĩnh, quá trình xây dựng một chiến lược kinh doanh cho mỗi tờ báo không chỉ trả lời câu chuyện làm thế nào bán được quảng cáo hay kiếm được tiền, mà cần quay trở lại với câu chuyện rất căn cốt của người kinh doanh, đó là sản xuất cái gì, bán ở đâu, bán cho ai, giải quyết các vấn đề thị trường, chi phí…
Bên cạnh đó, ông Vĩnh cũng chia sẻ về việc xây dựng văn hóa "Lấy độc giả làm trung tâm" trong mỗi cơ quan báo chí thông qua xác định nhu cầu của độc giả bằng cách tìm hiểu độc giả, đổi mới bằng cách nghiên cứu độc giả theo dõi, thử nghiệm ý tưởng để đáp ứng nhu cầu độc giả.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với các cơ quan báo chí. |
Trong bài trình bày “Xây dựng nền tảng để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng dữ liệu”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với các cơ quan báo chí, làm rõ một số vấn đề như: báo chí thu thập dữ liệu để làm gì, tờ báo có thể làm gì để khai thác sức mạnh của dữ liệu, vì sao dữ liệu cần là trọng tâm phát triển của tòa soạn…
Ông Nhật cho biết, điều quan trọng nhất là cần giữ chân được lượng độc giả trung thành. Thông qua phân tích dữ liệu độc giả như lượng truy cập, khu vực truy cập…, các cơ quan báo chí có thể biết được độc giả quan tâm gì để lên kế hoạch xây dựng chiến lược nội dung và phát triển sản phẩm phù hợp, từ đó phục vụ độc giả tốt hơn.
Cũng tại khóa học, chuyên gia báo chí Káp Thành Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tri thức trực tuyến đã chia sẻ về các biện pháp tối ưu doanh thu từ quảng cáo trong các cơ quan báo chí.