Nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất

Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai khó dự đoán, luôn xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại thảm khốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, nhất là người dân sống ở vùng núi.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng, ảnh hưởng hơn 270 căn nhà ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, Sơn La, trong đó có 39 nhà ngập hoàn toàn.
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng, ảnh hưởng hơn 270 căn nhà ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, Sơn La, trong đó có 39 nhà ngập hoàn toàn.

Chính vì vậy, để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất một cách hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương liên quan, tránh tình trạng lơ là, chủ quan, nhằm từng bước nâng cao năng lực đối phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này.

Bài học từ Điện Biên, Sơn La

Tuy mới bắt đầu mùa mưa, lũ nhưng thiệt hại về người, tài sản, các công trình… tại Điện Biên đã để lại hậu quả nặng nề. Đáng chú ý, cả hai trận lũ quét vừa xảy ra trên địa bàn hai huyện Điện Biên Đông, Điện Biên đều gây bất ngờ đối với người dân và chính quyền địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Lò Văn Cương cho biết: Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 gây thiệt hại tại địa bàn các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo ước gần 70 tỷ đồng. Nặng nề nhất là lũ quét xảy ra tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vào đêm 24 rạng sáng 25/7, làm 4 người chết, 3 người mất tích, 2 người bị thương nặng.

Chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ quét nhanh và mạnh đến vậy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn Lò Văn Liếng cho biết: Nhận thông tin cảnh báo mưa giông, nguy cơ lũ quét, xã đã gửi thông tin đến các bản cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó. Cùng với đó, thành viên Ban chỉ huy phòng chống bão lũ của xã trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xảy ra. Thế nhưng lũ quét về bất ngờ quá.

Đánh giá nguyên nhân thiên tai tại địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên Ngô Xuân Chinh cho rằng: Chủ yếu do hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn khiến lượng nước dồn về các khe suối lớn không kịp thoát gây lũ quét. Mặt khác, sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân trên địa bàn còn chưa đáp ứng được, dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Việc cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét thường ở phạm vi cảnh báo rộng, chưa cụ thể cho nên người dân và cả chính quyền cơ sở còn chủ quan, lơ là vì tâm lý ai cũng nghĩ rằng không thể xảy ra lũ quét, nhất là tại những địa bàn mà người dân đã sinh sống ổn định từ nhiều đời.

Tại cuộc làm việc đánh giá, rút kinh nghiệm thiệt hại sau vụ sạt lở đất, ngập lụt do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 với thành phố Sơn La, ngoài việc yêu cầu việc bố trí lực lượng trực 24/24 giờ theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã nhất trí với phương án cho phép thành phố Sơn La phối hợp với các lực lượng triển khai phương án dùng thuốc nổ để khơi thông dòng chảy dưới đáy các hang thoát nước tại khu vực Bom Bay, xã Chiềng Xôm. Hiện trạng các hang trong khu vực hồ chứa bị tắc nghẽn rất nhiều rác thải, bùn đất.

Theo phản ánh của người dân phía hạ du hồ bản Mòng, trong ngày 24/7, lượng nước các nơi đổ về rất nhiều, đã gây ngập úng trên diện rộng. Nhiều hộ gia đình bị mất trắng hoa màu hay ảnh hưởng tới nhà cửa, tài sản, vật nuôi. Tình trạng lượng nước đổ về nhiều ngoài nguyên nhân do mưa lớn còn do các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ.

Người dân đề nghị các cơ quan chuyên môn khi có kế hoạch xả lũ tại các hồ chứa như hồ bản Mòng hay các thủy điện cần phải thông báo sớm cho người dân phía hạ lưu, thay vì thông báo trong thời gian ngắn rồi xả lũ thì người dân không thể kịp có phương án phòng chống lũ hoặc di dời tài sản đến nơi an toàn…

Thêm vào đó, việc quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến xử lý thoát nước mặt, tiêu thủy. Tình trạng vi phạm lấn chiếm dòng chảy để xây dựng nhà, công trình diễn ra khá phổ biến nhưng chậm được xử lý, ngăn chặn. Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phòng chống thiên tai còn yếu, nhất là trong việc cảnh báo, di dời, bố trí sắp xếp các hộ dân đến nơi an toàn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, do đó khi thiên tai xảy ra thường gây thiệt hại lớn, hậu quả nặng nề.

Ngoài ra, một số cấp, ngành, nhất là ở cấp cơ sở chưa thật sự thường xuyên quan tâm đến việc triển khai công tác phòng chống thiên tai; lúng túng, bị động khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, một số chương trình phát triển kinh tế-xã hội chưa chú trọng gắn liền với công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất ảnh 1
Lực lượng Công an tỉnh Điện Biên thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau trận lũ quét vừa qua.

Nhận biết sớm, chủ động phòng, tránh

Các tỉnh miền núi phía bắc nước ta vừa trải qua một đợt mưa với cường độ lớn, nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Hiện tại nền đất nơi đây hầu hết đã ngấm nước, nếu tiếp tục có mưa lớn thì nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, tại các tỉnh miền bắc có khả năng tiếp tục xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân lưu ý đến thời điểm về đêm và sáng nhất là tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái,… do các khu vực này trước đây đã xảy ra liên tiếp các đợt thiên tai mưa lớn, lũ, ngập, lũ quét, sạt lở đất.

Tuy nhiên, thực tế rất khó để dự đoán và giảm rủi ro lũ quét, sạt lở đất một cách hiệu quả. Những vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn trong thời gian vừa qua ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy điều đó. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhỏ như thôn, bản, khu dân cư để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại vẫn luôn là thách thức không chỉ của riêng nước ta mà ngay cả với những nước có trình độ khoa học-công nghệ khí tượng thủy văn phát triển như Nhật Bản, Mỹ... Do đó, chỉ có khả năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong một khu vực nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định.

Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS), đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống chưa thể hỗ trợ dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Chính vì vậy, để hạn chế thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, địa phương, nhằm nhận biết sớm và có phương án phòng, tránh kịp thời, nhất là sự chủ động của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Trước mắt, trong đợt mưa lớn sắp tới, các cấp chính quyền và người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn được chuyển đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cơ quan phòng chống thiên tai tỉnh, huyện. Theo đó, người dân cần tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai địa phương.