Chủ động, quyết liệt phòng, chống thiên tai

Cơn bão số 4 được dự báo có cường độ rất mạnh đã đổ bộ vào miền trung. Tính từ ngày 28/9 đến thời điểm hiện tại, bão đã đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục gây mưa ở các tỉnh, thành phố miền trung. Thiệt hại ban đầu tại các tỉnh, thành phố miền trung, Tây Nguyên cho thấy, đã có một số nhà sập, hàng trăm nhà hư hỏng, tốc mái; nhiều cây xanh gãy đổ; nhiều xã mất điện, cùng một số phương tiện, thiết bị hư hỏng, gãy đổ…
0:00 / 0:00
0:00

Đối phó cơn bão này, công tác phòng, chống, vận động, tuyên truyền, di dời người dân, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú, gia cố các công trình, hạng mục hạ tầng, giúp dân bảo vệ nhà cửa… đã được triển khai sớm, rộng, quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ; sự giám sát, đôn đốc thường trực của Ban Chỉ đạo tiền phương cùng chính quyền các tỉnh, thành phố, các địa phương; đặc biệt là sự vào cuộc khẩn trương của các lực lượng, cơ quan chức năng; cùng ý thức và hành động rất chủ động của người dân, thiệt hại đã được giảm thiểu.

Từ những cơn bão liên tiếp trong mấy năm trở lại đây, chính quyền, nhân dân các địa phương đã thu được nhiều kinh nghiệm trong chủ động phòng, chống thiên tai, nhờ vậy, đã hạn chế được thiệt hại, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sáu bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão:

Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Thứ năm, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Thứ sáu, theo quy luật tự nhiên, miền trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Những kinh nghiệm và phương thức phòng, chống thiên tai đó, sẽ không phải chờ đến những cơn bão sau, mà ngay chính ở hiện tại và trong những ngày tới, sẽ tiếp tục áp dụng vào công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 4. Bởi ở nhiều địa phương, gió vẫn mạnh; mưa, mực nước dâng đang tiếp tục đe dọa, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Diễn biến nhiều cơn bão cho thấy, sau đợt tiến công dữ dội đầu tiên, thường sẽ đến mưa to, lũ lụt, nhất là lũ quét, sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và của, ruộng vườn, hoa màu… Như vậy, càng thấy tầm quan trọng và giá trị của sự kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo; sự thường trực và khẩn trương trong ứng trực, triển khai các lực lượng; sự nhạy bén, chủ động trong phối hợp các thành phần; và cả sự kiên trì, vững vàng trong việc bám sát, chống chọi dài ngày với thiên tai. Và đương nhiên ở đó, không thể thiếu sự tin tưởng, đoàn kết, không thể thiếu tình nghĩa đồng bào và tinh thần cống hiến, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.