Nhiều kịch bản, kế hoạch đã được xây dựng từ việc dự báo, chuẩn bị và ứng phó từ khi bão số 4 còn ở ngoài khơi xa, cho đến bão số 5 và mới nhất là bão số 6 đang tiếp tục chực chờ, đe dọa. Nhưng dù đã chủ động nhưng có lẽ cũng khó hình dung nào bao quát hết được những tổn thất cụ thể như với đồng bào huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An, sau đó là một số địa bàn thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… trong tình cảnh mưa lớn kéo dài, ngập sâu, lũ lụt suốt những ngày qua.
Những cơn bão vẫn đang tiếp tục thử thách sự thông minh, nhanh trí, kiên trì, sự nhanh nhẹn và sức bền của con người. Có nhiều cái để xốc lại, để rút kinh nghiệm và tiếp tục chuẩn bị đối với các cơ quan chức năng, các địa phương, bởi bão vẫn còn đang từ biển tiến vào. Nhưng một điều rất đáng suy ngẫm và chấn chỉnh, củng cố, có liên quan đến ý thức, tác phong của người dân trong bối cảnh thiên tai, bão lũ.
Từ trước tới nay, cứ vào mùa mưa bão, người dân khu vực miền trung lại phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế phòng, chống bão, lũ lụt. Từ kinh nghiệm ngàn đời, người dân nơi đây đã buộc phải dần đúc rút ra những biện pháp, kỹ năng phòng, chống và cả sự chịu đựng, vượt qua bão lũ. Nhưng phải chăng thiên tai hơi “giãn” ra một chút, thì ý thức, tác phong phòng, chống của một bộ phận người dân lại lơi ra, lỏng dần? - Từ đó dẫn đến khi mưa kéo dài, lũ bất ngờ, nước lụt dâng nhanh, thì có những tài sản, vật chất không được chằng chống, buộc giữ cẩn thận đã bị cuốn trôi, vùi lấp, hư hại. Và có cả tổn thất về người khi có sự coi thường hoặc thiếu phòng bị cẩn thận, vẫn đi lại, vẫn cố di chuyển trong cảnh mưa to gió lớn, ngập sâu, nước xiết.
Bởi vậy, thói quen, kinh nghiệm, sức chống chịu của người dân là một phần tích lũy. Nhưng trong tình hình mới, người dân cần được trang bị đầy đủ hơn về các kỹ năng phòng vệ, chuẩn bị để ứng phó thiên tai. Đặc biệt là cần được trang bị, rèn luyện đến mức thuần thục chứ không chỉ dừng ở việc tiếp nhận các nội dung tuyên truyền, cảnh báo. Và đương nhiên, phát huy khả năng tự thân của người dân, cũng không thể thiếu sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp sức, di chuyển kịp thời của chính quyền các cấp, các lực lượng, cơ quan chức năng địa phương, địa bàn sở tại. Nhất là đối với các gia đình neo đơn, các đối tượng là người khuyết tật, đau ốm, người già yếu và trẻ em…