Chiều 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều biến chủng nguy hiểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không, khiến sản lượng chuyến bay, hành khách, hành lý, hàng hóa, doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu.
Cụ thể, số lượng các chuyến bay đến/đi đạt 157.000 chuyến, giảm 38,8% so năm 2020; số lượng các chuyến bay quá cảnh đạt 98.000 chuyến, giảm 26,3% so năm 2020. Lượng hành khách qua các cảng hàng không đạt 28,1 triệu lượt, giảm 52,7% so năm 2020, trong đó khách quốc tế đạt 320.000, giảm 95,5%.
Về an ninh hàng không, nhìn chung các vụ việc vi phạm an ninh hàng không đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để phát sinh thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn hàng không.
Theo thống kê, năm 2021, tại các cảng hàng không, sân bay đã xảy ra 414 vụ vi phạm an ninh hàng không, giảm 181 vụ so cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong năm 2021, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) cấp phép khai thác chuyến bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ, đánh dấu mốc lịch sử trong ngành hàng không dân dụng việt Nam, đồng thời khẳng định năng lực của Vietnam Airlines khi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về an ninh an toàn của Hoa Kỳ và thế giới.
Về công tác xây dựng thể chế, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo một loạt thông tư sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo trì công trình hàng không; hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư đối với các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay; quy định quản lý và bảo đảm hoạt động bay; quy định về đào tạo, huấn luyện và sát hạch nhân viên hàng không; quản lý và bảo đảm hoạt động bay…
Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh Nghị định thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ phù hợp thực tiễn để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ Công an đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, xã hội cho lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan..
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo cụ thể về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh hàng không tại các cảng hàng không trên cả nước, đồng thời kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa những hành vi có nguy cơ uy hiếp an toàn, an ninh hàng không như thả diều, bóng bay, sử dụng phương tiện bay không người lái, sử dụng giấy tờ giả khi đi máy bay…
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao sự tham dự đầy đủ của các thành viên Ủy ban và các đồng chí lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố có cảng hàng không, cũng như các ý kiến tham gia phát biểu tại Hội nghị, thể hiện trách nhiệm cũng như sự coi trọng của các bộ, ngành và địa phương liên quan đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong năm 2021, đặc biệt không để xảy ra sự cố an ninh, an toàn hàng không nghiêm trọng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban đã tiếp tục công tác rà soát, đánh giá, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan an ninh hàng không, bảo đảm thích ứng tình hình dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn hàng không tiếp tục được đẩy mạnh với hình thức tuyên truyền đa dạng. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ mất an ninh tại các cụm cảng hàng không, bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác tập huấn, diễn tập ứng phó với các tình huống khẩn cấp còn hạn chế do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; báo cáo công tác của một số đơn vị chưa kịp thời; còn diễn ra tình trạng cò mồi, taxi dù gây ách tắc tại một số cảng hàng không lớn, sử dụng giấy tờ giả khi đi máy bay…
Đề cập nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, mở cửa du lịch trở lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan phải luôn nỗ lực phấn đấu để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát an ninh, an toàn, duy trì hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu về nguồn lực hệ thống giám sát an ninh, an toàn hàng không quốc gia và các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế tiếp tục là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không và dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới, thay thế chỉ thị năm 2010.
Các bộ, ngành và đặc biệt là 21 tỉnh, thành phố có cụm cảng hàng không cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật về an toàn, an ninh hàng không.
Về đề xuất xây dựng lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất phương án thành lập lược lượng này bảo đảm đúng thông lệ quốc tế, pháp luật trong nước, bảo đảm nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở các khóa đào tạo chính quy cho các đối tượng là chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, giám sát viên hàng không.
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương bổ sung, hoàn thiện các quy định để lý chặt chẽ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Đối với các doanh nghiệp hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu tích cực xây dựng giải pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế; đồng thời phải nâng cao năng lực giám sát bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng không, phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi đất nước mở cửa trở lại.