Trong nhiều năm qua, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuyển mạnh sang hành động sớm trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa bằng việc kiện toàn, thành lập và nâng cao năng lực các đội ứng phó thiên tai, thảm họa; hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa; quy định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thí điểm cũng như sẵn sàng hành động sớm với nắng nóng, bão do gió và lũ lụt do bão; tổ chức thực hiện vận động trong và ngoài nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Hội đã đẩy mạnh hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả về cộng đồng an toàn trong phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng; bước đầu thí điểm các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên.
Là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai khắc nghiệt, như: bão lũ, áp thấp nhiệt đới, mưa giông, lốc xoáy, lũ ống, nước biển dâng, ngập lụt, hạn hán, gió mùa... gây thiệt hại nhiều về người, tài sản, môi trường sinh thái và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Quốc Thanh cho biết, từ năm 2020-2023, thời tiết khí hậu cực đoan, mưa dông, lốc xoáy, lũ ống, lũ quét và mưa lớn đã làm xâm hại đến hệ sinh thái, môi trường, đất đai canh tác, sản xuất của người dân. Mưa lũ đã làm hư hại nhiều công trình của người dân, đường sá, cầu, cống bị sạt lở. Cấp ủy, chính quyền phải huy động và chi viện nhiều lực lượng, thành phần tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện tự nhiên nêu trên, dự án "Xanh hóa các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai" đã được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã được thực hiện trong vòng 20 tháng (từ tháng 10/2021 đến ngày 30/6/2023). Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp các bên liên quan, lựa chọn các địa phương để khảo sát đánh giá và quyết định triển khai dự án tại xã Nga Tiến (huyện Nga Sơn); xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân); xã Yến Sơn (huyện Hà Trung). Trong thời gian gần hai năm triển khai dự án, có hơn 8.840 hộ được hưởng lợi.
Ban Điều hành dự án đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, các cuộc thi nhằm tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hành các công cụ đánh giá rủi ro thiên tai có lồng ghép các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho cán bộ, người dân.
Ba xã được hưởng lợi dự án đã thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật, nhóm cộng đồng để cán bộ và người dân tham gia các hoạt động của dự án, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của cộng đồng trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên.
Các hoạt động can thiệp của Dự án đã góp phần hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân trong vùng thực hiện dự án và cấp hệ thống loa thông minh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống và cảnh báo rủi ro thiên tai tại xã Yên Nhân; tu sửa nâng cấp tuyến đường, trồng cây chống sạt lở hai bên đường và chắn gió khi có mưa bão xảy ra tại xã Nga Tiến…
Để công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh, cần phải có sự chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động một cách đồng bộ, cụ thể, rõ ràng; khảo sát lựa chọn địa bàn để áp dụng các mô hình tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, duy trì môi trường chung quanh; sử dụng một cách hợp lý và giảm thiểu suy giảm hệ sinh thái tự nhiên; mở rộng và tổ chức các chiến dịch thường xuyên để nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên...
Là tổ chức xã hội nhân đạo duy nhất tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa có hệ thống bốn cấp, từ Trung ương đến cơ sở, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, mang lại kết quả nhiều mặt cho người dân và cộng đồng. Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2023 đạt hơn 149 tỷ đồng, trợ giúp hơn 394.500 lượt người bị ảnh hưởng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa đá, giông lốc tại các tỉnh miền núi phía bắc, hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cháy và sự cố nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước; đồng thời thực hiện các chương trình, dự án, các khoản viện trợ quốc tế từ thành viên Phong trào, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.
Thời gian tới, để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, Hội sẽ tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh với các bộ, ban, ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng ứng phó cấp Trung ương, các đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện và xã/phường; đồng thời, thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ, ứng phó và hỗ trợ phục hồi.