Nâng cao kiến thức phòng, chống tai nạn điện giật

Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ điện giật gây chết người, trong đó có nhiều vụ gây chết nhiều người. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như thời tiết, mưa, bão…, nguyên nhân quan trọng là do sự thiếu kiến thức cũng như ý thức và các biện pháp an toàn về điện của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Điện lực huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ gia đình sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm. (Ảnh: THẾ VĨNH)
Công nhân Điện lực huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ gia đình sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm. (Ảnh: THẾ VĨNH)

Tối 4/4/2023, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ tai nạn do điện giật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến ba người bị chết. Theo đó, khi thấy nước mưa tràn ra trước nhà mình, bà Nguyễn Thị Nhị, sinh năm 1953, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đi ra để quét, tuy nhiên trong lúc quét nước thì bà Nhị bị điện giật do dây dẫn điện 3 pha bị rò rỉ.

Phát hiện sự việc, ông Nguyễn Văn Lên sinh năm 1952, là chồng bà Nhị chạy ra hỗ trợ nhưng cũng bị điện giật. Tiếp đó, anh Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1983, con trai ông Lên và cháu là Nguyễn Thái Dương, sinh năm 2011 đến hỗ trợ thì cũng bị điện giật bất tỉnh. Sự việc khiến ông Lên, anh Bình và cháu Dương tử vong. Qua khám nghiệm ban đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân là thời điểm này trời mưa, gió giật mạnh khiến cây đổ vào đường dây điện 3 pha làm dây điện bị đứt, sau đó điện truyền xuống vũng nước đọng ở mặt đường.

Trước đó, tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình tháo đèn trang trí, sáu người đã bị điện giật, khiến một người chết và năm người bị thương, trong đó có 3 người bị bỏng nặng. Nguyên nhân là do, trong khi những người này tháo đèn trang trí trên khung sắt cao khoảng 6m, thì bất ngờ khung sắt đổ vào đường điện trung thế, gây tai nạn điện giật. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn do điện giật xảy ra để lại hậu quả nặng nề trong thời gian qua.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn điện giật là do các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 79 vụ tai nạn điện do người dân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp làm 30 người chết, 65 người bị thương.

Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn đang diễn biến phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc bất cẩn trong thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị, công trình, nhà ở; câu cá; phương tiện giao thông hoặc bốc dỡ hàng hóa; trèo cột điện, vào trạm điện, bắn pháo sợi kim tuyến hoặc thả diều, đèn trời; chặt, tỉa, mang vác cây và các nguyên nhân khác.

Để bảo đảm an toàn, tránh tai nạn điện giật, cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn điện. Khi sử dụng các thiết bị điện nên dùng các thiết bị chất lượng tốt, dây dẫn điện phải lựa chọn tiết diện phù hợp công suất sử dụng để tránh sự cố đứt, chập, cháy dẫn đến tai nạn; lựa chọn các thiết bị điện phải có nhãn hiệu của nhà sản xuất, không nên mua những sản phẩm kém chất lượng; cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công-tắc, ổ cắm phải lắp đặt ở nơi khô ráo và ở vị trí cao hơn sàn nhà 1,4m, để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ và tránh khả năng ngập nước.

Lắp cầu dao hay áp-tô-mát ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, ngăn ngừa hỏa hoạn do điện; khuyến cáo nên lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. Khi lắp đặt dụng cụ, máy móc hoặc thiết bị điện trong nhà phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà chế tạo, nên nối đất an toàn cho vỏ thiết bị như máy bơm nước, bình đun nước nóng bằng điện, lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh… và thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện nếu bị hư hỏng phải sửa chữa, thay thế ngay để người sử dụng không chạm phải các phần dẫn điện gây tai nạn điện.

Khi sửa chữa nên ngắt nguồn điện (cắt cầu dao) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước, hoặc bị mưa làm ướt sàn, ướt ổ cắm điện và thiết bị điện gia dụng; lưu ý khi sử dụng dụng cụ điện cầm tay như máy mài, máy khoan… phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ bị rò điện..., cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời như các bảng hiệu, bảng quảng cáo khi trời mưa to, gió lớn.

Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng ngắt nguồn điện, cách ly nạn nhân khỏi dòng điện bằng cách sử dụng các vật dài, sạch, khô và không dẫn điện như thanh gỗ hoặc mẩu cao-su dài, hoặc quần áo khô. Đứng lên trên những vật liệu khô và không dẫn điện như gỗ khi thực hiện các thao tác nêu trên. Không sờ vào nạn nhân khi dòng điện chưa bị ngắt. Nếu thấy nạn nhân đã ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân và gọi xe cấp cứu, đồng thời tiếp tục hô hấp nhân tạo cho nạn nhân đến khi có bác sĩ hoặc xe cấp cứu tới.

Cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm an toàn về điện, ngành điện lực cần tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn lưới điện, thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây điện, các trạm biến áp, nhất là tại các khu dân cư, các địa điểm công cộng nhằm kịp thời phát hiện các yếu tố có thể gây ra tai nạn hoặc sự cố về điện để xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn về điện cho người dân bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Vừa qua, EVN và các đơn vị thành viên kiến nghị sở công thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp cùng các đơn vị điện lực tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tai nạn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện.