Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng

Ngày 30/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP (Nghị định số 175) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng với nhiều điểm mới, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng tham gia hoạt động xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư Lilama thi công lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4.
Các kỹ sư Lilama thi công lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4.

Nghị định số 175 ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương

Phó Cục trưởng Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Văn Dưỡng cho biết, thực hiện Kết luận số 97-KL/TW tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương về “xây dựng thể chế phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa” với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Nghị định số 175 đã sửa đổi nhiều quy định theo hướng thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và của Bộ Xây dựng về cho địa phương thực hiện.

Theo đó, về quản lý năng lực hoạt động xây dựng, Nghị định số 175 đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hạng I cho địa phương thực hiện, đồng thời loại bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số lĩnh vực không còn cần thiết. Đồng thời, Nghị định cũng phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với dự án có công trình cấp đặc biệt, công trình phức tạp, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, như giảm loại dự án, công trình phải thẩm định tại cơ quan quản lý nhà nước thông qua mở rộng đối tượng dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (từ tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, bổ sung các dự án bảo trì, duy tu, bảo dưỡng thuộc nhóm C); giảm tối đa các trường hợp điều chỉnh thiết kế bước sau không phải thực hiện điều chỉnh dự án…

Với việc phân cấp triệt để như trên, ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khi thực hiện phân cấp, Nghị định số 175 đã bổ sung quy định để cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các bộ chuyên ngành tăng cường kiểm tra việc tổ chức quản lý, thực hiện của cơ quan chuyên môn tại địa phương.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính

Một trong những điểm nhấn mới trong Nghị định số 175, đó là việc chuẩn hóa hồ sơ yêu cầu trình nộp, lược bỏ tối đa các giấy tờ không cần thiết để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, bỏ yêu cầu cung cấp các thông tin, giấy tờ pháp lý đã có trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (khi các hệ thống này đi vào hoạt động, chia sẻ, kết nối). Loại bỏ các nội dung quản lý trùng lắp giữa các bước trong trình tự đầu tư; quy định rõ danh mục, tiêu chí tuân thủ khi thực hiện đánh giá tại các thủ tục hành chính về thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ… Cùng với đó, tiếp tục rà soát để loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 5 năm lên 10 năm...

Theo ông Bùi Văn Dưỡng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đồng bộ hệ thống pháp luật, Nghị định số 175 đã quy định rõ hơn về các loại quy hoạch hoặc văn bản pháp lý tương đương được sử dụng làm cơ sở lập dự án, đồng thời là cơ sở cấp giấy phép xây dựng để giải quyết các dự án được hình thành từ nhiều loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành cũng như tình trạng một số địa phương chưa phủ kín đồng bộ quy hoạch; bổ sung quy định về công trình ngầm, tầng hầm của công trình xây dựng đồng bộ với quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giải quyết vướng mắc về việc thiếu thông tin về tầng hầm tại các cấp độ quy hoạch; quy định rõ về hồ sơ, nội dung, tiêu chí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, đồng bộ với các quy định về đầu tư, nhà ở, lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy. Quy trình thực hiện bảo đảm rõ ràng, minh bạch để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, thiết kế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong công tác thẩm định. Đồng thời, hệ thống hóa đầy đủ, rõ ràng các loại giấy tờ hợp pháp đất đai làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng, đồng bộ với luật và các nghị định về đất đai mới ban hành.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống thông tin công trình (BIM), việc kết hợp áp dụng BIM và hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động xây dựng để tăng tốc số hóa trong ngành xây dựng. Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị định số 175 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng song song với việc phân cấp rất mạnh cho địa phương. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các định mức xây dựng để phục vụ các dự án trọng điểm; suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là suất vốn đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. Để làm được điều này, các bộ phận liên quan cần đổi mới cách tiếp cận trong việc xây dựng định mức, đơn giá, quản lý chi phí đầu tư, dự án xây dựng… ■