Nâng cao hiệu quả phân cấp, ủy quyền

Thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực công tác. Trong đó, Hà Nội tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo nguyên tắc giảm đầu mối, xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế-xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.
0:00 / 0:00
0:00

Ba nghị quyết số 21, 22, 23 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, tập trung hoàn thiện việc phân cấp, ủy quyền gắn với việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, được đánh giá là những nghị quyết quan trọng; từ đó, tạo sự chủ động và bảo đảm nguồn lực cho các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, sau gần một năm triển khai, thành phố đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước 16 lĩnh vực theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, đồng thời, xây dựng phân cấp, ủy quyền 708 thủ tục hành chính. Ngoài ra, cấp huyện thực hiện 358 nhiệm vụ, cấp xã thực hiện 173 nhiệm vụ tại các luật, nghị định, thông tư.

Đến nay, thành phố đã cơ bản bảo đảm phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội trong khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Hà Nội đã hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo trường trung học phổ thông; hỗ trợ 160 tỷ đồng để đầu tư chợ và hỗ trợ 160 tỷ đồng để đầu tư cấp nước sạch cho vùng sâu, vùng xa trên địa bàn ba xã của huyện Ba Vì.

Với việc tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã trong phân cấp, từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023 đã có 12 quận, huyện trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 47 dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện để đầu tư với tổng kinh phí 21.220 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng đã có 12 trong tổng số 16 ngành, lĩnh vực được phân cấp tương đối thuận lợi như văn hóa, thể thao, du lịch, y tế; tang lễ, thủy lợi, đê điều, thông tin truyền thông, nước sạch, bến, bãi đỗ xe, chợ, vệ sinh môi trường…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngay sau khi Hội đồng nhân dân thành phố thông qua quy định điều chỉnh phân cấp trường trung học phổ thông về cho cấp huyện, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết nghị chuyển cho cấp huyện toàn bộ kinh phí thực hiện là hơn 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025. Hiện các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ bổ sung ngân sách của quận để thực hiện đầu tư các dự án trường trung học phổ thông trên địa bàn.

Có thể thấy, việc Hà Nội phân cấp về các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã giúp giảm bớt thời gian xử lý các công việc và nâng cao trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc triển khai cũng đang có một số vướng mắc.

Đơn cử, Sở Y tế đã được phân công ủy quyền 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, nhưng trang, thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối và vận hành thống nhất trong toàn thành phố, dẫn đến hiệu quả sử dụng còn chưa cao.

Một số thủ tục liên thông từ các bộ, ngành trung ương đang dừng ở cấp sở, chưa xuống đến các phòng, ban của quận, huyện, thị xã. Có những lĩnh vực đặc thù phân cấp về đơn vị cấp dưới thì có nơi còn thiếu nhân lực, phương tiện để thực hiện…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, để nâng cao hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quận Hoàng Mai kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai, ban hành các quyết định phê duyệt danh mục quản lý theo phân cấp, bao gồm:

Danh mục hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước; qua đó, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong đầu tư, duy trì và duy tu hạ tầng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân.

Tại Nghị quyết kết quả giám sát về thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội vừa được kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16 thông qua cũng đề nghị thành phố tiếp tục tập trung hoàn thiện việc phân cấp, ủy quyền; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan rà soát, nghiên cứu và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình nội bộ theo tiêu chuẩn ISO.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền khoa học, khả thi, hiệu quả; bảo đảm vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố. Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo nguyên tắc: giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng quản lý, phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện.