Tại Việt Nam, vấn đề quản trị rủi ro trong ngân hàng ngày càng phải được thực hiện một cách nghiêm túc và cấp bách, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những biến động khó lường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động ngân hàng ngoài việc đối diện những rủi ro truyền thống còn phải gặp những rủi ro trong quá trình chuyển đổi số như những cuộc tấn công mạng, hệ thống internet bị treo, dữ liệu cá nhân của khách hàng bị tấn công,… có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với tài chính và uy tín của ngân hàng.
Phát huy tối đa vai trò ban kiểm soát
Có thể nói, ngân hàng với vai trò trung gian tài chính có chức năng cơ bản là huy động vốn để cho vay, do đó hoạt động ngân hàng luôn chứa đựng và tiềm ẩn rủi ro. Để bảo đảm sự an toàn, lành mạnh ngân hàng, hoạt động quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu, duy trì liên tục và thường xuyên cải tiến, đặc biệt trong giai đoạn thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường như hiện nay.
“Hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng vô cùng quan trọng, phải nhận diện được rủi ro đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân, đánh giá công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng để có những đề xuất phù hợp”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các công văn chỉ đạo, trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với một số hoạt động cụ thể của tổ chức tín dụng; yêu cầu ban kiểm soát của một số tổ chức tín dụng căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá, có ý kiến với tổng giám đốc, hội đồng quản trị đối với một số nội dung hoạt động cần lưu ý của tổ chức tín dụng; rà soát quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán nội bộ để đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Theo Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh, thời gian qua, hoạt động của ban kiểm soát đã đạt được những kết quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần lưu ý là: Tại một số tổ chức tín dụng, hoạt động của ban kiểm soát còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của tổ chức tín dụng,…
Chính vì vậy, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng phải tăng cường giám sát hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra; chủ động phối hợp các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của ngân hàng; đồng thời rà soát hoạt động của ban kiểm soát, tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các nội dung, yêu cầu, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xử lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động của ban kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban kiểm soát.
“Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát hiện rủi ro ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ động đề xuất giải pháp với hội đồng quản trị, ban điều hành nếu phát hiện có vấn đề,…”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lưu ý.
Tăng cường quản trị trên hành trình số
Trong tiến trình chuyển đổi số nói chung, nhất là bối cảnh thanh toán số phát triển nhanh chóng như hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đang phải đối mặt nhiều hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi, phức tạp.
Để thực hiện hiệu quả, an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình mới, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Các tổ chức tín dụng đã chủ động xây dựng phương án tổng thể về phòng chống rủi ro trong hoạt động, chú trọng đến rủi ro trong chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đã từng bước áp dụng chuẩn Basel III theo thông lệ quốc tế, xây dựng tuyến phòng thủ 3 lớp, đồng thời triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nhằm tăng cường tính minh bạch.
Thí dụ, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đang là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro, chuyển dịch mạnh mẽ cách thức quản trị rủi ro trên hành trình số, đồng thời phát huy thế mạnh về mô hình trong lĩnh vực này, mang đến tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động và kinh doanh của ngân hàng.
Đến nay, MSB đã ứng dụng các phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB) - Basel III đối với rủi ro tín dụng, phương pháp tính vốn cho rủi ro hoạt động theo chuẩn mực Basel III/IV, tính vốn cho rủi ro thị trường theo phương pháp SA2022, IMA 2022 (by ES) - Basel III, xác định bộ sổ ngân hàng và tính vốn yêu cầu dựa trên thay đổi bất lợi về vốn kinh tế do biến động lãi suất Delta EVE, Delta NII - Basel II đối với rủi ro lãi suất sổ ngân hàng… Các chuẩn mực tiến bộ này đã được MSB áp dụng vào đo lường rủi ro và triển khai đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) qua từng năm, giúp ngân hàng bảo đảm có đủ tài sản để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, duy trì cấu trúc vốn bền vững. Bên cạnh Basel, ngân hàng cũng áp dụng tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các hạng mục rủi ro.
Theo đại diện lãnh đạo MSB, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro và chuyển dịch cách thức quản trị rủi ro trên kênh số đã mang đến cho ngân hàng nhiều lợi ích thiết thực, giúp ngân hàng có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, quản trị kế hoạch vốn phù hợp hơn và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện.
Tuy nhiên, mặc dù đã chuẩn bị phương án quản trị rủi ro một cách toàn diện, song theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức chưa thể lường tới.
Đến nay, tuy tỷ lệ các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng điện tử ở Việt Nam thấp hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á (ở Việt Nam tỷ lệ này là 26,36% trong khi Indonesia 40,87%; Singapore 51,6%, Thái Lan 56,35% và Philippines lên tới 64,03%); nhưng khi xảy ra gian lận thanh toán, các tổ chức tín dụng đã phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ, cả về vật chất, nhân lực và quan trọng không kém là bị ảnh hưởng về uy tín.
Để phòng ngừa rủi ro và tăng cường bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường phối hợp với các cơ quan và tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm về hoạt động thanh toán; cập nhật, cảnh báo kịp thời những phương thức và thủ đoạn tội phạm mới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo toàn ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng dịch vụ thanh toán; triển khai Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06… ■