Nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân

Yên Bái là tỉnh sớm đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt được chỉ số hạnh phúc cao, tỉnh tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân.

Cán bộ huyện Trấn Yên tham quan mô hình trồng dâu tằm ở xã Việt Thành. (Ảnh THANH SƠN)
Cán bộ huyện Trấn Yên tham quan mô hình trồng dâu tằm ở xã Việt Thành. (Ảnh THANH SƠN)

Trong quá trình này, khâu “căn cốt” là xây dựng văn hóa, đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành điểm nhấn, tạo sự hài lòng của người dân, từ đó biến thành sức mạnh nội sinh để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững...

Về những miền quê hạnh phúc

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, ý tưởng đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 có cơ sở khoa học từ việc phân tích điều kiện kinh tế-xã hội hiện có của tỉnh vốn không nhiều lợi thế. Trong khi đó, Yên Bái lại có nhiều tiềm năng, nội lực để xây dựng, phát triển kinh tế gắn với môi trường văn hóa, từ đó nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, như: Truyền thống lịch sử-văn hóa; giá trị văn hóa phi vật thể; khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững; môi trường sinh thái tốt; quá trình đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dẫn chúng tôi tham quan những nương dâu cận kề vùng bãi sông Hồng xanh ngút tầm mắt, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên Lê Thị Lụa chia sẻ: Đây là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ xã phấn đấu vì chất lượng sống của nhân dân. Xã Việt Thành có xuất phát điểm tương đối thấp, 10 năm về trước cơ sở hạ tầng thiếu thốn, quy hoạch manh mún, sản xuất dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Người dân trong xã bỏ đi làm ăn xa, nhiều mô hình kinh tế không có nhân lực để thực hiện.Trong bối cảnh đó, Đảng ủy xã có chủ trương cử cán bộ xã tận dụng những ngày cuối tuần để đến từng xóm vận động nhân dân. Hoạt động này được phát triển thành mô hình “Ngày thứ bảy cùng dân” trong toàn tỉnh. Kinh nghiệm lãnh đạo cho thấy người cán bộ trước hết phải tâm huyết, “lo cái lo của dân”.

Đến giờ, xã Việt Thành đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, cuộc sống người dân cải thiện nhanh. Thực tế phát triển kinh tế ở xã đã dần kéo lao động đi làm ăn xa trở về gắn bó với quê hương. Hai năm qua, nơi đâu cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng người dân xã không bị tác động tiêu cực nhiều. Lý do là xã tạo đủ việc làm, người dân được cung cấp con giống, cây giống, hướng dẫn phương pháp nuôi, trồng. Xã đứng ra cùng các đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình ngay tại chuồng, trại. Các mô hình kinh tế mới ở xã đã phát huy hiệu quả tạo thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, là xã nông thôn mới nâng cao nên các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Nhật Tân trao đổi, thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Việt Thành có được là nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tâm huyết, bám sát, kiên trì vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Quá trình này đội ngũ cán bộ của xã cũng luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Vừa qua xã Việt Thành đã quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất, ngoài cây dâu tằm còn có các sản phẩm như nấm linh chi, đặc sản chuối sấy... Vùng chuyên canh được quy hoạch khoa học, thuận lợi giúp người dân yên tâm sản xuất.

Cán bộ, đảng viên ở xã năng nổ trong việc hướng dẫn kỹ thuật, vận động nhân dân xây dựng các tổ hợp tác hình thành mô hình liên kết chuỗi, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Nhìn rộng ra toàn huyện Trấn Yên, với thế mạnh là nông nghiệp, việc tìm được mô hình nuôi trồng hiệu quả, hợp thổ nhưỡng có ý nghĩa quyết định. Trường hợp ở thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành cũng là một thí dụ: Trước đây hộ nghèo chiếm số đông nhưng kể từ khi mô hình trồng măng bát độ được thực hiện thì cuộc sống người dân đã hoàn toàn thay đổi với thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Thực tế quá trình nâng cao đời sống của nhân dân từ phát triển sản xuất và duy trì môi trường sống lành mạnh không chỉ mang đến niềm hạnh phúc cho người dân mà còn góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới ở huyện Trấn Yên.

Ở Yên Bái có nhiều vùng đất cũng được người dân gọi là “miền quê hạnh phúc” như: thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình-nơi có nhiều mô hình vườn, nhà “xanh-sạch-đẹp”; bản Lý, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ với mô hình trồng lúa Séng Cù; thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có chi bộ 37 đảng viên... Các “miền quê hạnh phúc” đều ghi dấu ấn của đội ngũ cán bộ, đảng viên tâm huyết, năng động, trách nhiệm chăm lo, góp phần đạt mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Giải pháp then chốt nâng cao chỉ số hạnh phúc

Theo cuốn tài liệu “Hỏi-đáp về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh” do Tỉnh ủy Yên Bái biên soạn, chỉ số hạnh phúc là cách đo lường giúp đánh giá khách quan theo nhiều khía cạnh, bao gồm sự thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống chung quanh, như: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và tuổi thọ của con người... Đây là phương pháp tính chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc và NEF (New Economics Foundation), hai tổ chức hằng năm đều có đưa ra báo cáo về chỉ số hạnh phúc của các nước trên thế giới. Việc chọn cách tính này là phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái về chỉ số hạnh phúc.

Để có cơ sở đánh giá thực trạng, xác định mục tiêu xây dựng “chỉ số hạnh phúc”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo điều tra xã hội học về sự hài lòng của người dân đối với các nhóm vấn đề: sự hài lòng về cuộc sống (bao gồm sự hài lòng về điều kiện kinh tế-vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; về hoạt động của các cơ quan công quyền); sự hài lòng về sức khỏe, tuổi thọ trung bình; sự hài lòng về môi trường tự nhiên (bao gồm các tiêu chí: việc xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước, không khí và xử lý nước thải, rác thải, khí thải; việc bảo vệ đất, tài nguyên khoáng sản; bảo vệ rừng, môi trường cây xanh và hệ sinh vật).

Theo báo cáo kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá về chỉ số hạnh phúc trên toàn tỉnh Yên Bái năm 2021, huyện Văn Yên có chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai toàn tỉnh với 65,37%. Văn Yên có thế mạnh là cây quế với vùng chuyên canh lên đến 52 nghìn ha. Về cải cách hành chính huyện đứng thứ hai toàn tỉnh. Năm 2021, Văn Yên có 99,8% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Văn Yên Vũ Minh Huê cho biết: Huyện ủy xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tạo đột phá kinh tế-xã hội. Từ nhiều năm qua, huyện đã thực hiện niêm yết công khai số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo huyện để chủ động tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh của công dân liên quan đến các mặt công tác của huyện, trong đó có việc giải quyết các thủ tục hành chính bảo đảm nhanh, kịp thời và hiệu quả, tạo sự hài lòng của người dân.

Yên Bái là tỉnh miền núi giàu bản sắc văn hóa với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh đã nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp nâng cao sự hài lòng về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội; về chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của cơ quan công quyền... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, mô hình “thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” được triển khai hiệu quả, có sức lan tỏa. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung đầu tư cho giáo dục, y tế nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạy và học; chất lượng khám, chữa bệnh; bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn nhìn nhận: Học tập và làm theo gương Bác Hồ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái, nhất là xây dựng văn hóa trong Đảng bộ và hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên trở thành tấm gương đạo đức trong xã hội... Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, toàn tỉnh có 473 mô hình, điển hình tiên tiến được khen thưởng. Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Kế hoạch lãnh đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 3.358 tập thể và 2.787 cá nhân đăng ký xây dựng, trong đó có 344 điển hình tập thể, 201 điển hình cá nhân cấp tỉnh.

Đồng thời, để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó hướng mạnh vào nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; coi trọng nội dung, phương thức và chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới nội dung sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng gắn liền bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới...