Khoảng 15 chuyên đề, tham luận được các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học và người viết trẻ trình bày, tập trung vào nội dung và giải pháp hội thảo đề ra. Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ trình bày chuyên đề tổng quan hoạt động sáng tác văn học hiện nay với tên gọi “Những người mở cánh cửa của cái đẹp”.
Chuyên đề nhấn mạnh, nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ XX, Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 16 tuổi; Nguyên Hồng in “Bỉ vỏ” năm 18 tuổi; Tế Hanh 20 tuổi được giải thưởng của Tự lực văn đoàn; Vũ Trọng Phụng viết “Giông tố”, “Số đỏ” năm 24 tuổi; cũng năm 24 tuổi Nam Cao viết “Chí Phèo”; Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” năm 28 tuổi; còn Hoài Thanh viết “Thi nhân Việt Nam” khi vừa vào tuổi 30… đó đều là những danh tác một thời của văn học nước nhà.
Liên hệ gần có thể gọi ra những cái tên đã từng tạo nên những hiện tượng trên văn đàn, đó là Đỗ Chu viết “Ao làng”, “Hương cỏ mật”, “Mùa cá bột” khi 17-18 tuổi; Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ xuất bản “Từ góc sân nhà em”, sau đó là “Góc sân và khoảng trời”năm 10 tuổi. Gần hơn nữa, nhà văn Phan Thị Vàng Anh (in “Khi người ta trẻ” năm 25 tuổi, “Hội chợ” năm 28 tuổi); Nguyễn Ngọc Tư (in “Ngọn đèn không tắt” năm 25 tuổi, “Cánh đồng bất tận” năm 29 tuổi). Về cơ bản, những sáng tác mang tính bước ngoặt làm nên tên tuổi của người viết thì tuổi trẻ thường chiếm thế thượng phong.
Năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng, 138 đại biểu tiêu biểu cho lực đội ngũ những người viết trẻ tuổi đời dưới 35 đã được lựa chọn. Đây là số lượng đại biểu đông nhất nếu so sánh với 2 hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Đại biểu trẻ tuổi nhất sinh năm 2007 (thời điểm đó mới 15 tuổi). Tuy tuổi đời trẻ nhưng không ít người trong số họ sở hữu “gia tài” ấn tượng.
Nhà thơ Hữu Việt cũng đưa ra nhận định, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7%, một con số quá thấp và đã duy trì nhiều năm nay. Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra tại hội thảo. Một số đề xuất cụ thể được đề cập thuộc về: đào tạo, tổ chức các cuộc thi, người cầm bút “phải sống” đã rồi mới viết.
Toàn cảnh hội thảo "Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ". |
Trong tham luận “Đào tạo, hỗ trợ nhà văn mới - từ mô hình khởi nghiệp”, PGS,TS Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề, hãy nhìn vào những doanh nghiệp mà nhiều trong số đó đang chi phối đời sống của chúng ta, không ít, do những nhà lãnh đạo có tuổi đời mà nếu theo thang đo của chúng ta sẽ là rất trẻ. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì điều này lại càng rõ và không cần phải đợi đến ngày nay. Nhìn vào thực hành viết của mỗi người trong số họ đều thấy lấp lánh cái ý tưởng độc đáo mà đã lóe sáng từ tác phẩm đầu tay và được họ kiên nhẫn theo đuổi, dù hành trình viết không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thuận lợi. Những người viết như thế cần được đặt vào vị trí của những người khởi nghiệp khi họ sáng tạo nên một thế giới tưởng tượng mới, ấn định một phong cách và tạo nên một cái gì không thể trộn lẫn, không thể đặt cùng những người khác.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội trong tham luận về đào tạo viết văn ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, nhấn mạnh, để có thể duy trì, phát triển ngành học vốn có bề dày truyền thống và thành tựu đào tạo này, rất cần cái nhìn rộng mở, linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại, hiệu quả từ phía cơ sở đào tạo; sự quan tâm, đầu tư về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; sự đồng bộ về cơ chế, chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan. Một số giải pháp được đưa ra tập trung vào các hoạt động: nghiên cứu xây dựng cơ chế đào tạo đặc thù; mở rộng cơ hội việc làm trong chính sách tuyển dụng đối với sản phẩm đầu ra; xây dựng, phát triển không gian, môi trường học tập riêng biệt để người học có thể vừa học tập, vừa thực hành sáng tạo; phía người học cần xác định tính “đường dài” trong hoạt động nghề nghiệp.
Nhà thơ Trần Hữu Việt trình bày chuyên đề. |
Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ, Tiến sĩ - nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… dựa vào yêu cầu của nền văn học nước nhà và ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Từ đó, có thể nêu ra những yêu cầu cụ thể hơn, thí dụ cần có tác phẩm thể hiện sâu sắc quá trình thay đổi của nông thôn và nông dân trong hội nhập và phát triển; hoặc với đề tài 2 cuộc kháng chiến, đề tài thời kỳ Đổi mới, hội nhập...
Tăng cường việc tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành cho các tác giả trẻ để đào sâu những vấn đề cần khai thác, kết hợp tổ chức công bố tác phẩm sau khi kết thúc trại để giới thiệu cho đông đảo công chúng thưởng thức tác phẩm mới. Cải thiện, nâng cao và có những diện đầu tư, hỗ trợ khác nhau về kinh phí sáng tạo cho các tác giả trẻ. Bên cạnh đó, có thể nghĩ đến một phương thức khác là hỗ trợ sau khi tác phẩm đã hoàn thành, được một hội đồng chuyên môn đánh giá là tác phẩm có quy mô và chất lượng cao và tổ chức nhiều hơn các hội thảo, các sân chơi văn chương cho người trẻ, có chiến lược quảng bá tác phẩm của tác giả trẻ ra nước ngoài…
Nhà văn trẻ Hiền Trang cho rằng, văn chương không phải một sự tồn tại đơn lẻ, nó đúng hơn là một chất kết dính gắn những thứ không liên quan đến văn chương và biến điều đó thành văn chương. “Bạn không bị ép phải viết, nhưng rồi thì bạn vẫn viết. Khoảng thời gian bình lặng ở Iowa cho bạn quá nhiều những viên gạch. Khi có trong tay nhiều gạch thế, tự nhiên bạn sẽ nghĩ, phải rồi, tôi muốn xây một bức tường. Tôi muốn sắp xếp chúng lại với nhau. Dù không ai bắt buộc, nhưng tôi cảm thấy nếu mình không viết thì thật là có lỗi. Văn chương ra đời tự nhiên như vậy”, nữ nhà văn chia sẻ.
Hội thảo đã góp phần tạo nên một diễn đàn sôi nổi để giới chuyên môn, làm nghề nhận định về vai trò, trách nhiệm của sáng tạo, đồng thời tham khảo, áp dụng các giải pháp cụ thể, đặc thù nhằm nâng cao chất lượng sáng tác trẻ. Từ đó, tạo nên sự tiếp nối thế hệ một cách mạnh mẽ với thành tựu rực rỡ, lan tỏa vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam thông qua văn học tới bạn bè quốc tế hiệu quả hơn.