Nhà văn trẻ Đức Anh đã trình làng những tác phẩm khá ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh” theo dòng trinh thám vốn còn ít được tác giả trong nước lựa chọn. Nhiều bạn đọc và một số nhà phê bình đánh giá, Đức Anh dám bước đi trên con đường lẻ loi. Còn nhà văn thì chia sẻ: “Văn học trinh thám đã cho tôi nhiều trải nghiệm, rèn luyện kỹ thuật chuyên môn và kỷ luật viết văn, cho tôi được gặp gỡ những người bạn văn, các anh chị lớn tuổi, giàu kinh nghiệm hơn và cho tôi có độc giả trung thành. Tôi đang tiến đến những cải tiến mới, về điều mình muốn viết, muốn nói ra, về những bí ẩn và vẻ đẹp của đời sống mà tôi góp được hằng ngày”.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất đang công tác trong ngành công an, mới đây đã trình làng tập truyện trinh thám “Muội tro”. Võ Chí Nhất chia sẻ, truyện trinh thám đầu tiên anh viết có tên “Dòng máu bạc”, hiện đã triển khai thành một tiểu thuyết và sẽ trình làng trong thời gian tới. “Tôi cho rằng, không hẳn người công tác trong ngành công an hay tình báo mới theo đuổi dòng trinh thám, mà bắt nguồn từ đam mê và vì đam mê mà theo đuổi”, Võ Chí Nhất nhấn mạnh.
Truyện trinh thám không đơn thuần là những câu chuyện vụ án mà được “dựng” lại từ những vụ án có thật theo nguyên tắc (tác giả tự vạch ra) là bảy phần thật, ba phần thêm thắt. Một truyện trinh thám hấp dẫn cần nhiều yếu tố. Theo Đức Anh và Võ Chí Nhất, các tác giả thường đọc nhiều trước khi viết, điều cần thiết là tìm một vụ án phù hợp để xây dựng một cốt truyện hấp dẫn và đáng tin, các nhân vật phải có những đặc điểm đặc biệt, lối hành văn đặc trưng, bố cục, cách dẫn chuyện, chủ đề của truyện phải độc đáo...
Để nhà văn trẻ phát triển và đi được đường dài trên con đường sáng tạo, không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, các nhà phê bình, nhà sách. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, Hội Nhà văn khuyến khích và tích cực tạo sân chơi cho người trẻ sáng tác, tìm tòi lối đi riêng. Bởi họ là những người quyết định hình dáng, chân dung văn học trong khoảng 10 đến 20 năm nữa.