Để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, quận Hoàng Mai đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chuyển từ bếp than tổ ong sang sử dụng các bếp đun sạch, bếp cải tiến thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Nhiều hoạt động tuyên truyền đã được chính quyền, tổ dân phố triển khai như trực tiếp đến từng hộ gia đình thuyết phục, xây dựng các buổi phát thanh thường xuyên để thông tin về tác hại của than tổ ong... nhằm nâng cao nhận thức, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong, mà chuyển đổi sang loại bếp phù hợp.
Nhờ vậy, từ hơn 3.000 bếp than tổ ong năm 2010, đến nay gần như không còn hộ dân tại quận Hoàng Mai sử dụng bếp than tổ ong. Bên cạnh đó, quận cũng xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh nguồn thải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, năm 2022, quận đã tổ chức lấy mẫu không khí tại tám điểm thuộc khu vực công nghiệp Hoàng Mai, tám điểm thuộc khu vực đường giao thông, khu vực bến xe và 16 điểm thuộc khu vực dân cư. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu phân tích đều đạt giới hạn cho phép quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí chung quanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để giảm ô nhiễm môi trường, nhằm phát triển giao thông bền vững, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính. Cùng với đó là xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc giao thông cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng được phép lưu thông các phương tiện, tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.
Tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến, mạng lưới xe buýt tiếp cận 30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 510 xã, phường thị trấn (đạt 88,4%). Đáng chú ý, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở đã lập Tổ công tác chuyên đề phối hợp chính quyền địa phương, cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ trộm đất, phế thải, các trường hợp lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường giao thông.
Phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác đăng kiểm xe cơ giới đường bộ; xử lý các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông...
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, tất cả các phương tiện sử dụng hơn mười năm đều được công ty thay thế đúng thời hạn và tuân thủ đúng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Giai đoạn từ 2016 đến nay, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư thay mới hơn 600 xe buýt tiêu chuẩn khí thải EURO 4.
Cũng theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển dần sang vận hành phương tiện năng lượng sạch là phù hợp với xu hướng chung, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là chi phí đầu tư cao.
Nhằm góp phần cải thiện chất lượng không khí, bảo đảm công tác môi trường thời gian tới, nhiều đơn vị của thành phố kiến nghị cần chỉ đạo các sở, ngành của thành phố sớm hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ di dời các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang được thành phố giao đất, cho thuê đất thuộc 17 ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch.
Hướng dẫn việc thu gom, xử lý đối với các loại rác thải như chăn, đệm, bàn ghế, tủ cũ hỏng... do hiện nay, các bãi rác của thành phố không tiếp nhận các loại rác thải này. Mặt khác, thành phố cần có các giải pháp phân luồng hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, đẩy nhanh thực hiện các dự án tại các khu vực thường xuyên bị tắc đường, kẹt xe, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Các cơ quan chức năng cần kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.
Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Trưởng Ban Đô thị Đàm Văn Huân, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ giám sát đi đến tận cùng vấn đề này để tìm ra giải pháp khắc phục tồn tại và có chính sách tiếp theo để trùng khớp tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình của Thành ủy trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân.