Nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế hàng Việt Nam

Năm 2022 là năm phục hồi kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đã khiến công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ suốt nhiều năm qua, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn thành phố vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham quan, tìm hiểu sản phẩm nước i-on Life, sản phẩm đạt “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhiều năm liền.
Người dân tham quan, tìm hiểu sản phẩm nước i-on Life, sản phẩm đạt “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhiều năm liền.

Trong đó, Cuộc vận động hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thông qua hàng loạt giải pháp về ổn định thị trường, liên kết cùng nhiều địa phương cả nước, đưa hàng Việt Nam chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng.

Hàng Việt “bén rễ” người Việt

Ghé gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty cổ phần nước Hoàng Minh tại siêu thị Mega Market (phường An Phú, thành phố Thủ Ðức) - đơn vị thường được người dân “nhận dạng” qua thương hiệu nước i-on Life, cầm chai nước trên tay, chị Cao Thị Thu Duyên (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, chị đã biết và sử dụng sản phẩm Việt này từ nhiều năm nay. Chị Duyên cho rằng: Sản phẩm “Made in Việt Nam” này được nhiều người đánh giá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tốt cho sức khỏe.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, i-on Life đã vươn mình trở thành tốp thương hiệu nước uống uy tín được hàng triệu người Việt Nam bình chọn. Thương hiệu ngày càng lớn mạnh của đơn vị được khẳng định bởi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính minh bạch, tuân thủ pháp luật, hiệu quả hoạt động, trách nhiệm xã hội, an toàn cho người tiêu dùng…, tiên phong phát triển thành một trong các sản phẩm chất lượng cao dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát tại Việt Nam. Ðây cũng là sản phẩm Việt được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao” hai lần liên tiếp (2021-2022); Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh (từ 2021-2023) và Thương hiệu quốc gia (từ 2020-2023).

Còn với Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên (thành lập tháng 5/2008) với số lao động ban đầu chỉ hơn 10 người, đến nay, con số này đã tăng lên gần 500 người. Với truyền thống không ngại khó khăn, gian khổ, ban lãnh đạo công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy để mang đến cho người dân sản phẩm thuốc chữa bệnh mang thương hiệu Việt. Trong đó, nhiều sản phẩm của An Thiên như thuốc điều trị tim mạch, tiêu hóa, kháng sinh, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư,… đã thay thế hàng ngoại nhập.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Mặc dù thị trường, doanh nghiệp nói chung đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã.

Các doanh nghiệp đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá cả hợp lý. Thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường; từ đó hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ tăng giá, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần bình ổn thị trường.

Hướng tới chinh phục người Việt

Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, qua một năm triển khai các chương trình hành động, Cuộc vận động đã được các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Năm 2022, có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm thị phần cao trên thị trường.

Ðối với việc phát triển hệ thống phân phối, các chợ đầu mối tiếp tục phát huy hiệu quả tập hợp và phân bổ phát luồng hàng, điều phối nguồn hàng cho thành phố và các tỉnh lân cận. Ðối với chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 32.500 khách hàng với hơn 568 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt Nam.

Phát huy các lợi thế của thương mại điện tử, thành phố đã triển khai kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển thương mại điện tử, giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nội địa, quốc tế.

Nhằm lan tỏa và tạo dư địa để hàng Việt Nam “bén rễ” ở các địa phương, hướng đến xuất khẩu, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện, trao đổi thông tin, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh... nhằm mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.

Ðánh giá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đánh giá cao những nỗ lực đưa hàng Việt Nam đến với người dân của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để người dân hiểu và tin vào chất lượng hàng Việt Nam.

Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động từ thành phố đến cơ sở tập trung đẩy mạnh các biện pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hơn nữa thói quen sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trong nước; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu trong nước và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố cần có khảo sát để chọn ra mô hình, điểm nhấn đặc sắc nhất nhằm tập trung tuyên truyền, xây dựng hình ảnh để quảng bá rộng rãi trong nhân dân cũng như vươn tầm ra thị trường xuất khẩu…

Về kế hoạch thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến xác định: Ban Chỉ đạo đang đẩy mạnh mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”; tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp ổn định cung-cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất. Các đơn vị thành viên cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, tăng cường kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.