Ngày 8/7, Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) công bố số liệu sơ bộ cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, nạn phá rừng Amazon ở Brazil tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và chạm mức cao kỷ lục kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê dữ liệu vào giữa năm 2015.
Cùng với kỷ lục ghi nhận cho giai đoạn 6 tháng đầu năm, diện tích rừng Amazon biến mất ở quốc gia Nam Mỹ cũng tăng 5,5% trong tháng 6 lên 1.120km2, mức cao nhất ghi nhận cho tháng này từ trước tới nay.
Rừng Amazon hiện chứa một lượng carbon khổng lồ được thải ra khi cây cối bị chặt phá, qua đó có nguy cơ làm ấm bầu khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nạn chặt phá rừng ở Brazil ngày càng nghiêm trọng, lan sâu vào khu vực trung tâm của rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Trong nửa đầu năm 2022, bang Amazonas ở trung tâm rừng Amazon lần đầu tiên ghi nhận diện tích rừng biến mất nhiều hơn bất kỳ bang nào khác.
Manoela Machado, một nhà nghiên cứu về cháy rừng và phá rừng tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell và Đại học Oxford, cho biết nạn phá rừng gia tăng trong năm nay cũng đang khiến tình trạng cháy rừng ở khu vực này trở nên phức tạp hơn, và thậm chí còn trầm trọng hơn trong những tháng tới.
Theo dữ liệu INPE công bố mới đây, tháng 6/2022 là tháng 6 ghi nhận số vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil cao nhất trong vòng 15 năm qua, mặc dù cường độ của những đám cháy này không quá lớn so với mùa cháy rừng cao điểm vào tháng 8 và tháng 9.
“Tỷ lệ phá rừng cao chắc chắn sẽ dẫn đến số vụ cháy rừng cao. Đó là một thực tế hiển nhiên, đồng thời cũng là một thông tin cực kỳ xấu”, ông Machado nhấn mạnh.