Nạn phá rừng Amazon ở Brazil chạm kỷ lục mới

NDO -

Theo số liệu sơ bộ của chính phủ Brazil, diện tích rừng Amazon bị chặt phá ở nước này giảm 15% trong tháng 3 so cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại là mức cao nhất trong vòng 6 năm qua nếu thống kê riêng cho quý đầu tiên của năm.

Những người bản địa thuộc bộ lạc Mura tại khu vực rừng Amazon bị chặt phá gần Humaita, bang Amazonas, Brazil, ngày 20/8/2019. (Ảnh: Reuters)
Những người bản địa thuộc bộ lạc Mura tại khu vực rừng Amazon bị chặt phá gần Humaita, bang Amazonas, Brazil, ngày 20/8/2019. (Ảnh: Reuters)

Dữ liệu từ Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ rừng Amazon ở quốc gia Nam Mỹ “biến mất” tăng 64% so với quý I/2021, lên 941 km2.

Đây cũng là quý I ghi nhận độ che phủ của rừng Amazon bị mất nhiều nhất kể từ khi hệ thống giám sát, đo đạc bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015-2016.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong đó 60% diện tích nằm trên lãnh thổ Brazil. Với khả năng hấp thu một lượng khí nhà kính khổng lồ, việc bảo tồn rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Một báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng, những nỗ lực hiện nay của các chính phủ trên thế giới là chưa đủ để kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Theo báo cáo, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng trên, tuy nhiên các hoạt động phá rừng cũng đóng góp 10% trong tổng lượng khí thải của thế giới.

Một số nhà khoa học dự đoán nạn phá rừng tại Brazil sẽ tiếp tục gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, như đã từng xảy ra trước thềm 3 cuộc bầu cử trước đây.

Theo Carlos Souza Jr, một nhà nghiên cứu tại Viện Imazon, việc thực thi pháp luật về môi trường thường suy yếu trong những năm bầu cử, do đó lâm tặc có thể lợi dụng điều này để tăng cường hoạt động trước thời điểm chính phủ mới nhậm chức.