Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm về môi trường, đất đai
2 năm qua, huyện Sông Lô thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, giải quyết đơn thư kiến nghị về ô nhiễm môi trường.
Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp huyện và các xã xử phạt 4 trang trại chăn nuôi vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó có 1 trang trại tại xã Quang Yên, 1 tại xã Nhân Đạo và 2 tại xã Lãng Công.
Cụ thể, trang trại chăn nuôi của ông Tạ Xuân Khang, xã Quang Yên bị Ủy ban nhân dân huyện Sông Lô xử phạt số tiền 10 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 5 triệu đồng.
Trang trại này cũng bị Ủy ban nhân dân xã Quang Yên xử phạt 2 triệu đồng do tự ý chuyển đất rừng sản xuất sang mục đích khác khi chưa được phép.
Các trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Bảy Hiền và ông Nguyễn Văn Ngọ, xã Lãng Công bị xử phạt khá nặng. Mỗi trang trại bị Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt 78 triệu đồng vì làm ô nhiễm môi trường và bị Ủy ban nhân dân xã Lãng Công xử phạt 3,5 triệu đồng vi phạm về đất đai; 2,5 triệu đồng vi phạm về môi trường.
Trang trại chăn nuôi của nằm sâu trong rừng sản xuất tại xã Lãng Công. |
Trang trại chăn nuôi của ông Phạm Văn Khang bị Ủy ban nhân dân xã Nhân Đạo xử phạt 5 triệu đồng vi phạm về đất đai.
Trước đó, tháng 6/2022, ông Khang đã bị Ủy ban nhân dân xã Nhân Đạo lập biên bản vì xả nước thải chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Trang trại của ông Khang nuôi 600 con lợn, diện tích xây dựng là 1.360m2 trên đất không được phép xây dựng trang trại.
Về xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Sông Lô, số vụ việc tồn tại, vi phạm xảy ra trước ngày 16/3/2020 chưa được xử lý dứt điểm là 582 trường hợp với tổng diện tích 23,47ha. Số vụ việc tồn tại, vi phạm phát sinh sau ngày 16/3/2020 chưa được xử lý dứt điểm là 37 trường hợp, diện tích 0,74ha.
6 tháng đầu năm nay, huyện xử lý 36 trường hợp vi phạm gồm 24 trường hợp tại xã Nhân Đạo và 12 trường hợp tại xã Phương Khoan. Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm mới phát sinh; xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục hiện trạng 3 trường hợp; chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra 1 trường hợp có hành vi hủy hoại đất tại thôn Đoàn Kết, xã Lãng Công.
Đối với nội dung tố cáo ông Nguyễn Hồng Thăng và vợ là bà Nguyễn Thị Đăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lãng Công, huyện Sông Lô đã tiến hành thanh tra và khẳng định có nội dung tố cáo đúng.
Hộ bà Nguyễn Thị Đăng được giao quản lý, sử dụng 40.000m2 đất rừng tại thôn Phú Cường. Trên diện tích đó, gia đình bà Đăng tự ý xây dựng chuồng trại chăn nuôi với diện tích 1.850m2 khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong vụ việc này, Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Lãng Công chưa chủ động kiểm tra, giám sát đảng viên có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo; có dấu hiệu nể nang, né tránh trách nhiệm trong trường hợp vi phạm của ông Nguyễn Hồng Thăng và bà Nguyễn Thị Đăng.
Khai thác đất trái phép tại xã Yên Thạch. |
Cần những giải pháp tổng thể
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, toàn huyện có 1.385 thửa đất cần kê khai, đăng ký lần đầu để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, đất ở và đất vườn là 653 thửa; đất sản xuất nông nghiệp 363 thửa; đất lâm nghiệp 346 thửa; đất phi nông nghiệp 23 thửa. Căn cứ vào hồ sơ kê khai, huyện đã phê duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho 217 trường hợp đủ điều kiện.
Quá trình rà soát, Ủy ban nhân dân huyện xác định trong nhóm 74 trường hợp đã thu tiền sử dụng đất, có 69 trường hợp được giao đất trái thẩm quyền tại thời điểm từ 1/7/2004 đến 1/7/2014, chưa thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp giao đất không đúng đối tượng từ những năm 2003-2004, không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Hoàng Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đăng ký đất đai, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Huyện cũng kiến nghị cần xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền giai đoạn từ 1/7/2004-1/7/2014 đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Quá trình giải quyết đất dịch vụ cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù huyện đã bố trí đủ diện tích đất cần giao cho các hộ. Đến nay, Sông Lô mới giải quyết chi trả được 1,84ha trên tổng số 7,2ha cần chi trả.
Những tồn tại, vướng mắc của Sông Lô cũng giống như các địa phương khác. Song, về mặt chủ quan, nhiều cán bộ, công chức cấp xã vẫn chưa nắm rõ quy trình, thủ tục xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, chưa chủ động hướng dẫn người dân lập dự án xin cấp phép chăn nuôi quy mô trang trại, đánh giá tác động môi trường. Cơ quan chuyên môn của tỉnh Vĩnh Phúc chưa tiến hành quan trắc môi trường đầy đủ, kịp thời.
Nhiều xã, thị trấn chưa kiên quyết xử lý các trường hợp xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, hoặc xử phạt hành chính xong “đâu lại đóng đấy”. Huyện Sông Lô cần nghiêm khắc xử lý những cán bộ xã thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm đất đai, mất uy tín, để vi phạm kéo dài.
Để giúp các địa phương giải quyết dứt điểm những vi phạm đất đai trải dài qua nhiều thời kỳ, thiết nghĩ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cử cán bộ đi thực tế dài ngày hoặc luân chuyển cán bộ về cơ sở một thời gian để cán bộ, công chức nắm chắc tình hình, từ đó tham mưu sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn.