Nam Trung Bộ nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thời gian qua, do bị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ( IUU), xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) giảm mạnh.

Ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu khai thác xa bờ.
Ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu khai thác xa bờ.

Xác định việc gỡ "thẻ vàng" là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển thủy sản, các tỉnh Nam Trung Bộ triển khai nhiều giải pháp tích cực và đã có hiệu quả bước đầu.  

Tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Khánh Hòa Lê Tấn Bản, do bị ảnh hưởng từ cảnh báo "thẻ vàng", chế biến, xuất khẩu của 44 doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh chịu thiệt hại nặng. Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh giảm tới gần 23%. Mặt khác, trong quá trình bị cảnh báo "thẻ vàng", tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đều bị kiểm tra nguồn gốc khai thác, gây thiệt hại nhiều mặt cho doanh nghiệp. Do vậy, các tỉnh Nam Trung Bộ xác định, thực hiện các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, Tỉnh ủy các tỉnh đã có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định; UBND các tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đề ra chương trình, kế hoạch hành động; thành lập ban chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện; thành lập các tổ chống khai thác IUU tại cảng cá...

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, Sở thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại các cảng cá; gắn trách nhiệm người đứng đầu và có hình thức xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Ðồng thời, tập trung nguồn lực khắc phục các hạn chế trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cũng như kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng.

Ngư dân Phạm Ðạn ở phường 6, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, thông qua các buổi tuyên truyền, người dân biết được các hình thức, mức độ xử phạt đối với trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; biết được các khuyến nghị của EC. "Lâu nay, ngư dân chúng tôi còn mang tâm lý "may rủi", chỉ nghĩ đến chuyện đánh bắt sao cho được nhiều cá. Nay, nghe tuyên truyền về vấn đề thủy sản Việt Nam bị giơ "thẻ vàng", chúng tôi hiểu rằng làm ăn bất chấp luật pháp là ngư dân đã tự "đập bể nồi cơm" của chính mình".

Ðể góp phần gỡ "thẻ vàng", Chi cục Thủy sản Khánh Hòa vừa tuyên truyền ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản vừa bố trí lực lượng trực liên tục 24 giờ trong ngày, giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình (VMS) được kết nối với trạm bờ. Từ đó, thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðến nay, 635 trong số 750 tàu cá ở Khánh Hòa đã lắp đặt VMS. Từ cuối năm 2018 đến nay, không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Ðịnh Trần Văn Phúc, bên cạnh phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức, chính quyền các cấp tỉnh Bình Ðịnh phối hợp lực lượng chức năng lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh đã triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương vùng biển tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về lắp đặt VMS, giúp ngư dân hiểu rõ đối tượng tàu cá bắt buộc lắp đặt VMS; lộ trình lắp đặt và các chế tài xử lý. Ðể lắp đặt bộ thiết bị giám sát hành trình, ngư dân phải bỏ ra từ 19 đến 23 triệu đồng/tàu. Tuy nhiên, đây là một trong những quy định để được cấp phép khai thác hải sản xa bờ nên ngư dân chấp hành.

Từ tháng 1-2019 đến nay, tại tỉnh Bình Thuận, 1.796 trong số 1.927 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ hơn 93%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 82%, trong đó 100% tàu đang hoạt động đã lắp đủ. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy khẳng định: "Trong điều kiện còn khó khăn và chưa nhận được sự hỗ trợ chi phí mua, lắp VMS, hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lắp đặt VMS. Ðiều này chứng tỏ có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của ngư dân".

Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, Bình Thuận từng bước ngăn chặn, giảm tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Số vụ vi phạm, số tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý năm 2019 giảm hai vụ/bốn tàu/31 ngư dân so với năm 2018. Từ tháng 7-2019 đến nay, không có tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết và Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã kiểm tra thông tin; thẩm định hồ sơ và cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho hơn 2.700 tấn hải sản, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi.

Xây dựng nghề cá có trách nhiệm

Trong số các khuyến nghị của EC liên quan chống khai thác IUU, việc không để ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được các tỉnh Nam Trung Bộ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tỉnh Khánh Hòa chú trọng củng cố các tổ hợp tác, ngư đội đoàn kết sản xuất trên biển; phát triển các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản. Ðến nay, Khánh Hòa là một trong số rất ít địa phương trong cả nước xây dựng được các chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá. Các chuỗi liên kết đã thu hút gần 160 tàu cá xa bờ tham gia; hàng trăm tấn cá ngừ có chất lượng cao đã được giao dịch thành công.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Nguyễn Trọng Chánh cho biết, hoạt động của các chuỗi liên kết giúp công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm được rõ ràng, minh bạch; chủ tàu cá tham gia chuỗi nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tham gia chuỗi liên kết, ngoài việc thực hiện chính sách ưu đãi về giá thu mua, khen thưởng ngư dân, các doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí mua thiết bị ghi nhật ký khai thác điện tử, dụng cụ sơ chế cá ngừ; hướng dẫn quy trình, công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng thủy sản…

Bình Thuận đang duy trì hoạt động của 129 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 982 thuyền cùng 4.910 lao động và năm nghiệp đoàn nghề cá với 68 tàu cùng 663 lao động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, nhằm chuyển từ nghề cá tự phát sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, tỉnh sẽ tổ chức rà soát, thống kê chính xác đội tàu cá toàn tỉnh, đề xuất cơ cấu lại ngành khai thác hải sản theo hướng giảm số lượng tàu cá; tăng giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Tuy nhiên đây là cả một quá trình lâu dài cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là sự thay đổi nhận thức của ngư dân.

Nhiều vấn đề cần khắc phục triệt để

Qua hai cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Thủy sản hồi tháng 6 và tháng 10 năm nay về khai thác IUU, phía EC ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; đánh dấu tàu cá; hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương; công tác thực thi pháp luật trong khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể... Tuy nhiên, phía EC cũng chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam chưa khắc phục triệt để như: Công tác kiểm soát tàu cá, nhất là vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; giám sát sản lượng khai thác chưa chặt chẽ; chưa bảo đảm tất cả tàu cá được lắp đặt VMS; việc thực thi pháp luật trong chống khai thác IUU chưa thống nhất ở các địa phương…

Thực tế, các chủ tàu cá đã thực hiện tốt quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay các tàu cá chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải hiện đại, hoặc có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên lạc thường trực 24/24 giờ; gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trong kiểm soát quá trình khai thác. Nhiều địa phương chưa hoàn thành lắp đặt VMS; việc đánh dấu tàu cá còn thiếu triệt để; tình trạng tàu cá mất kết nối VMS diễn ra phổ biến... Ðiều đáng lưu ý nữa là số lượng tàu tham gia sản xuất theo tổ, đội trên biển còn rất hạn chế. Các địa phương khu vực Nam Trung Bộ đang tiếp tục rà soát, khắc phục những hạn chế nói trên, nhằm nâng cao năng lực kiểm soát tàu cá, kiểm soát chất lượng sản phẩm khai thác.

Trước mắt, theo lãnh đạo các tỉnh Nam Trung Bộ, các địa phương tiếp tục ngăn chặn hiệu quả tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng nhằm bảo đảm kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Theo Trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ Nguyễn Trung Hiếu, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa còn 133 tàu cá chưa lắp đặt VMS và nhiều tàu cá chưa thực hiện đăng ký cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thời gian tới, ban quản lý cảng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan quản lý chặt, không cho xuất bến những tàu cá chưa lắp đặt VMS, chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm chủ tàu cá cố tình vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, vận động cộng đồng doanh nghiệp hải sản kiên định "Nói không với thủy sản khai thác IUU"; kiên quyết không thu mua hải sản khai thác vi phạm IUU của các tàu cá; tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu, nhằm giữ vững vị thế xuất khẩu quan trọng tại thị trường EU, vì một nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, muốn vào được thị trường này, các sản phẩm thủy sản phải bảo đảm được các yêu cầu về chống khai thác IUU. Nói cách khác, chỉ khi gỡ được "thẻ vàng" thì xuất khẩu thủy sản sang EU mới thuận lợi.

HÙNG KẾ và CHÂU NGUYÊN