Nậm Tin đổi thay

Là người sinh ra, lớn lên tại bản Mốc 4, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, ông Hờ A Lù, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Tin hiểu tường tận những khó khăn và sự đổi thay ở xã vùng cao này. Ông cho biết, ngày đầu thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Chà Cang vào năm 2013, Nậm Tin khó đủ bề. Đến bây giờ tuy vẫn còn khó, nhưng đỡ hơn nhiều rồi.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân bản Tàng Do, xã Nậm Tin chăm sóc vườn cam.
Nông dân bản Tàng Do, xã Nậm Tin chăm sóc vườn cam.

Giọng thâm trầm, ông Lù kể về Nậm Tin ngày đầu mới được chia tách, thành lập. Là xã nội địa trong huyện biên giới với diện tích tự nhiên gần 8.700 ha, trong đó có hơn 6.500 ha là diện tích đất lâm nghiệp; đồi núi dốc, đất trồng cây lương thực có hạt chưa đến 500 ha, lại chủ yếu đất nương rẫy bạc màu, trong khi 100% số người dân sở tại là người dân tộc H’Mông từng có thời gian di cư từ nơi khác đến, cho nên khó khăn với người dân và cấp ủy, chính quyền Nậm Tin cứ chồng chất.

Cao điểm nhất là năm 2016, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã chiếm 85,69% số hộ; dịch bệnh, hạn hán triền miên càng đè nặng cuộc sống của người nghèo Nậm Tin. Không ít gia đình đã tính chuyện trở về quê cũ ở Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo… Nhiều người nản hơn thì tính việc vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống.

Nhưng rồi, được sự động viên, san sẻ kịp thời từ các đồng chí cán bộ, đảng viên, giáo viên, bộ đội tại xã, trong huyện và trong tỉnh, người nghèo ở Nậm Tin đã trụ lại, bắt tay cải tạo từng khoảnh nương thửa ruộng. Ở trung tâm xã, người dân các bản: Nậm Tin, Vàng Lếch, Nậm Tin 1 được cán bộ các phòng địa chính, công thương tư vấn, hướng dẫn học nghề, chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh doanh dịch vụ nhỏ, sửa chữa xe máy, máy nông cụ.

Với các bản xa hơn là Mốc 4, Tàng Do, Huổi Đắp, Huổi Tang, cán bộ nông nghiệp, địa chính dành thời gian hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu thay cho phương thức trồng cây, nuôi con kiểu truyền thống tự phát như trước.

Không chỉ thế, người dân nghèo ở Nậm Tin còn được cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên giúp khảo sát, tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người và vật nuôi. Cùng với đó, công ty hỗ trợ cây giống sa nhân, thảo quả để người dân trồng dưới các cánh rừng, vừa có thêm thu nhập, vừa giúp hình thành thói quen sản xuất kết hợp theo mô hình vườn, cây, rừng.

Làm theo cách đó, qua từng năm, khó nhọc với người dân Nậm Tin cũng dần vơi đi. Đến giờ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 59%. Nậm Tin đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó các tiêu chí, như: Thủy lợi, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, phát triển các mô hình sản xuất, an ninh trật tự… từng được ví như “khó lên trời” đã hoàn thiện nhờ sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, các ngành và nỗ lực của mỗi người dân.

Dưới những cánh rừng đặc dụng, trên mỗi triền đồi sản xuất quanh các bản Nậm Tin, Tàng Do, Huổi Đắp giờ đã xanh mướt mầu xanh của những đồi quế, vườn cam. Chợ phiên Vàng Lếch ngoài các phiên chính thì ngày ngày vẫn tấp nập người bán người mua; hàng hóa cũng đa dạng, đủ chủng loại, chứ không còn khan hiếm như trước nữa.

Ông Giàng A Tú mà tôi gặp ở chợ phiên Vàng Lếch đã nói như “khoe”: “Chẳng so với nơi nào khác và cũng chẳng so với nhiều năm trước, chỉ so chợ phiên Vàng Lếch bây giờ với chợ phiên Vàng Lếch cách đây 5 năm đã khác một trời một vực. Trước thì hàng gì cũng phải đợi đến ngày họp chợ mới có để mua, giờ thì mấy quán quanh chợ luôn có bán. Từ cái kim sợi chỉ đến ti-vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… đều có sẵn ở chợ trung tâm. Mớ rau, hoa chuối, con gà… nhà ăn không hết tôi đem ra chợ là có người mua. Chăm chỉ làm lụng thì ngày nào cũng có rau đem bán là có tiền mua sắm. Vui lắm!”.

Cũng là người dân tộc H’Mông ở Nậm Tin như ông Tú, cũng từng trải qua cung đường di cư nhiều gian nan khó nhọc, ông Sùng Quán Tùng và người dân bản Tàng Do càng trân quý nâng niu từng mảnh nương, khoảnh vườn mà họ phải đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt mới có. Chỉ tay về vườn cam trĩu quả của gia đình, ông Tùng khẽ nói: Gần 10 năm công sức của cả gia đình dồn vào đó mới thành vườn cam như hôm nay.

Trước đây, tôi trồng lúa nương, nhưng năng suất thấp, hay bị chuột bọ phá hoại, thế nên tôi đã bàn với gia đình đầu tư ít vốn mua cây cam sành từ Hà Giang về trồng. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện, vườn cam của gia đình tôi phát triển khá đều, tỷ lệ cây sống đạt hơn 80%. Đặc biệt, quả cam ở đây cho vị ngọt đậm hơn nơi khác.

Thế nên, qua 5 năm trồng thử nghiệm, tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng diện tích trồng, đến nay đã có 6 ha cây cam Vinh, cam sành Hà Giang cho nguồn thu gần 200 triệu đồng mỗi vụ. “Tai được nghe, mắt được thấy, nhiều gia đình dân tộc H’Mông ở bản Tàng Do và các bản khác trong xã Nậm Tin làm theo mô hình phát triển cây cam của gia đình ông Tùng, đến nay xã đã có 12 ha cam.

Theo kế hoạch, quả cam của người dân xã Nậm Tin đã được huyện đưa vào danh sách sản phẩm nông nghiệp ưu tiên phát triển thành chuỗi sản phẩm OCOP của Nậm Pồ”, bà Lò Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Tin cho biết.

Quanh câu chuyện về đổi thay ở Nậm Tin hôm nay, ông Lù còn kể thêm về những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, sự chủ động của người dân các bản ở Nậm Tin. Ông Lù bảo, vẫn đồng bào dân tộc H’Mông ở các bản ấy, vẫn những con người ấy, nhưng theo thời gian và có sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành trong huyện; các tổ chức chính trị-xã hội và sự đồng hành của các doanh nghiệp, đến nay người dân đã biết cách sắp xếp sản xuất, chăn nuôi. Theo địa hình từng bản, họ đã chủ động đăng ký thực hiện các mô hình trồng rừng, trồng cây dược liệu, nhiều bản đã chủ động cải tạo kênh dẫn nước để chuyển ruộng lúa một vụ thành hai vụ, đất ven suối Nậm Tin cũng được cải tạo thành ruộng, vườn. Mấy năm gần đây thay vì đề nghị Công ty Nước Điện Biên hỗ trợ cái ăn, cái mặc, thì người dân các bản chỉ thiết tha đề nghị được hỗ trợ đường ống để họ dẫn nước về làm ruộng.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn chừng một tháng, biết tin Công ty Nước Điện Biên chuẩn bị về xã trao quà cho hộ nghèo, lãnh đạo xã Nậm Tin đã chủ động trao đổi nguyện vọng của người dân với đề nghị, thay bằng quà Tết như mọi năm, họ mong công ty hỗ trợ đường ống nước để cải tạo ruộng. Bởi bây giờ người dân Nậm Tin hiểu giá trị của ruộng nước, của công sức lao động nên mong muốn có nước, có ruộng làm để vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, nhân dân Nậm Tin đã chung lòng quyết tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đầu tư theo các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể để năm 2024 này giảm thêm 5% hộ nghèo, cận nghèo; khai hoang thêm 1,5 ha lúa ruộng; phấn đấu sản lượng lương thực đạt gần 1.000 tấn và người nghèo ở Nậm Tin sẽ giảm nghèo nhiều hơn để có điều kiện góp sức xây dựng vùng đất biên cương giàu mạnh, bình yên!