Nậm Pồ trong những ngày dịch

NDO -

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Điện Biên vào đêm 15-5, về tình hình năm ca mắc mới mang các mã BN 3993, BN 3994, BN 3996, BN 3997, BN 3998 đều là F1 của BN 3758 và đều trú tại trung tâm xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cũng đồng thời dự báo: F0 vẫn còn và F1 sẽ lên tới hàng nghìn người. Phòng họp im lặng. Nhiều tiếng thở dài.

Giấc ngủ tạm trong đêm của lực lượng chống dịch ở Si Pa Phìn.
Giấc ngủ tạm trong đêm của lực lượng chống dịch ở Si Pa Phìn.

Bởi ai cũng hiểu, suốt mấy ngày qua, huyện biên giới Nậm Pồ dường như không ngủ kể từ khi cơ quan chức năng chính thức công bố ca bệnh BN 3758 là kế toán Trường PTDTBT tiểu học Tân Phong xã Si Pa Phìn dương tính với SARS-CoV-2 có lịch trình di chuyển, tiếp xúc dày đặc, nguồn lây không rõ ràng.

Một ngày sau đó, sáng 15-5, CDC Điện Biên lại tiếp tục phát đi thông báo có thêm hai trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là BN 3837 và BN 3838, đều là F1, là đồng nghiệp cùng trường với BN 3758. Và cũng rất nhanh, đến đêm 15-5 thì số ca mắc mới tại Si Pa Phìn đã tăng thêm năm người; trong đó có cả cháu bé 2 tuổi đang được cách ly tập trung cùng mẹ, cho dù cháu bé này không có biểu hiệu khó thở, không sốt, chỉ ho nhẹ. Bốn bệnh nhân khác, đều là giáo viên, là F1 của ba bệnh nhân trước.

Nhận định ổ dịch Nậm Pồ sẽ còn tăng F0 và F1 có thể lên tới cả nghìn người, ông Phạm Giang Nam cho rằng, cần nhất hiện nay là chủ động trang thiết bị y tế, dự trù khẩu trang, vật tư y tế và tăng cường nhân lực.

Trực tiếp chỉ đạo công tác khoanh vùng dập dịch tại Si Pa Phìn từ chiều 15-5, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, báo cáo: Do tình hình dịch bệnh diễn ra quá nhanh, số người vào khu cách ly dồn dập nên ít nhiều cũng khiến người dân trên địa bàn hoang mang. Công tác khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm được lực lượng chức năng nỗ lực hết sức, song hiện tại mọi việc gần như quá tải. Trong ngày 15-5 đã truy vết được 431 F1 liên quan tới ba ca bệnh (3758, 3837, 3838) ở Si Pa Phìn, song mới chỉ lấy mẫu xét nghiệm được 55/72 F1 đang cách ly tập trung tại Khu cách ly tập trung Trường PTDTBT tiểu học Tân Phong. Đáng lo ngại là trên 270 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong dù đã được xác định là F1 song vẫn chưa được lấy mẫu, chưa được đưa về khu cách ly tập trung vì gia đình các em sống tản mát, phải đi tìm, thông báo đưa từng em về. Huyện đã thành lập ba khu cách ly tập trung nhưng trước sự gia tăng nhanh F0 như hiện nay thì những ngày tới sẽ lại thiếu cơ sở vật chất, chăn, màn, giường chiếu.

Về nhân lực phục vụ lấy mẫu, xét nghiệm, đưa người vào các khu cách ly tập trung tại Nậm Pồ hiện rất thiếu. Dù đã được Sở Y tế tăng cường hai kíp (chín người); huyện Mường Nhé, Mường Chà tăng cường cho bẩy người nhưng với số F1, F2 cần lấy mẫu, cần cách ly lớn như hiện nay thì nhân lực y tế hiện tại chẳng thấm tháp gì.

Từ trong tâm dịch Si Pa Phìn huyện Nậm Pồ, bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc CDC tỉnh Điện Biên - người được giao trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, đã khẩn thiết báo cáo: Hiện có 45 cán bộ y tế làm việc cả ngày lẫn đêm, điều kiện làm việc, sinh hoạt rất thiếu thốn, vất vả. Cơm ăn thì anh em tự liên hệ mua về; chỗ ngủ là nền đất, chật chội. Xác định đợt chống dịch còn dài và ngày càng phức tạp hơn, bởi vậy ông Chiến đề nghị tỉnh, ngành y tế điều thêm nhân lực về hỗ trợ Nậm Pồ; trước nhất để khẩn trương truy vết, lấy mẫu khoanh vùng sau là để anh em được thay phiên nghỉ mới mong có sức trong “cuộc chiến” dài.

Sáng 16-5, trao đổi với ông Bùi Văn Luyện qua điện thoại được biết, đến thời điểm này huyện đã thành lập tám khu cách ly tập trung, trong đó mở thêm khu cách ly tại Phìn Hồ (gần Si Pa Phìn) để cách ly tập trung cho toàn bộ học sinh Trường PTDTNT Tân Phong. Về nhân lực phục vụ các khu tập trung đang rất thiếu, huyện đã chỉ đạo huy động dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia nấu nướng phục vụ hậu cần.

Tìm hiểu công tác khoanh vùng, cách ly, phục vụ cách ly và chống dịch tại Si Pa Phìn nói riêng, huyện Nậm Pồ nói chung, được biết thực tế khó khăn hơn rất nhiều so những điều được phản ánh. Vốn dĩ khi thường Nậm Pồ đã rất khó, vì xa trung tâm thành phố, dân cư trên địa bàn có tới hơn 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao cho nên ngay cả khi vào các khu cách ly tập trung thì không mấy người có đủ 80 nghìn đóng chi phí mỗi ngày. Để có lương thực, thực phẩm phục vụ trong khu cách ly, những người tình nguyện phục vụ trong khu cách ly đã phải dồn đến đồng tiền cuối cùng của gia đình để mua thực phẩm; một số cán bộ huyện Nậm Pồ cũng điện về nói khéo với người nhà để vay ít tiền gửi vào chi viện cho Nậm Pồ.

Khó khăn nhiều bề, Nậm Pồ đang rất cần được hỗ trợ kịp thời và đúng nghĩa theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, không chỉ đơn thuần là những chỉ đạo theo kịch bản là “khẩn trương”, “thần tốc”… trong khi cái cần trước mắt là bữa ăn của đội ngũ phòng, chống dịch và của người dân trong các khu cách ly tập trung đang phải chạy lo từng ngày…

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan