Là tỉnh có nhiều lễ hội đầu xuân, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh sôi động, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trà trộn thẩm lậu thực phẩm không an toàn.
Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo ngay từ những ngày đầu năm đến hết tháng 3/2025, tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị; thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Các cấp, ngành phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.
Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 6 huyện, thành phố; các huyện, thành phố thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết và lễ hội xuân 2025 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm… theo phân cấp quản lý.
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết
Theo thống kê, toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 18.600 cơ sở thực phẩm; trong đó ngành y tế quản lý 33,3% cơ sở; ngành công thương quản lý 12,6%; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý 54,1%.
Lãnh đạo Sở Y tế Nam Định (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nam Định) cho biết: Trong năm 2024, ngành y tế đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan đã thành lập 692 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành an toàn thực phẩm; kiểm tra hơn 6.000 cơ sở, xử phạt 275 cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó là phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách nuôi ăn bán trú, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm, người cung ứng thực phẩm tại các trường tham gia mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể; tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho đội ngũ y tế thôn, xóm...
Qua đó góp phần tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định; chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh được quản lý, kiểm soát góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy thị trường sản phẩm thực phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế; tỉnh cần quan tâm chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại cấp xã, phường, thị trấn; việc quản lý, sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố; có giải pháp hiệu quả ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm...