Bên cạnh những cơ sở sản xuất uy tín, không ít mặt hàng được sản xuất theo kiểu gia đình, thiếu kiểm định, thậm chí sản xuất trong điều kiện mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nói điều này, nhiều người sẽ cho rằng chủ quan, “vơ đũa cả nắm”. Nhưng thực tế, mới đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành ra quân kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, thì đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đơn cử như tại Hà Nội, khi kiểm tra một cơ sở bánh cốm gia truyền có tiếng, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở này sản xuất bánh trong khu bếp gia đình, dụng cụ sơ chế, chế biến cáu bẩn. Nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ, chế biến. Đoàn còn phát hiện côn trùng, phân động vật trong khu sản xuất của thương hiệu bánh cốm nổi tiếng này.
Với các loại thực phẩm được mua nhiều trong dịp cuối năm như giò, chả cũng hết sức đáng lo. Tại Đà Nẵng mới đây, khi kiểm tra tại cơ sở sản xuất chả ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, cơ quan chức năng phát hiện gần 1 tấn chả các loại (chả bò, chả heo, chả da heo, số chả này đều dương tính với hàn the (Natri Borat). Có thể kể thêm nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không đạt chất lượng, thậm chí sử dụng những loại hóa chất độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã sử dụng hóa chất 6 -Benzylaminopurine.
Làm sao để mua được thực phẩm sạch là câu hỏi khá “đau đầu” đối với các bà nội trợ. Bởi kinh nghiệm hay tin tưởng vào người bán hàng, nơi mua hàng vẫn là chưa đủ. Nhìn qua thấy đẹp, ăn thử thấy ngon, nhưng phía sau, sản phẩm được sản xuất như thế nào, sử dụng nguyên liệu gì thì người tiêu dùng rất khó để nhận biết, phát hiện. Do đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm là vấn đề cần được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm để làm gương. Các địa phương cũng cần đặt mối quan tâm tới các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm không chỉ trong dịp cuối năm, giáp Tết mà cần có kế hoạch thường xuyên, đột xuất. Thậm chí kiểm tra liên tục để các cơ sở làm ẩu, làm sai dù có muốn che giấu cũng không được và buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
An toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu quan trọng để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Việc kiên quyết xử lý những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cần được cơ quan chức năng quan tâm, đẩy mạnh và có chế tài đủ mạnh. Có như vậy, mới ngăn chặn được những cơ sở sản xuất coi thường sức khỏe người dân; phòng, chống được việc sản xuất và cung cấp ra thị trường những loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…