Đồng chí Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, cầu qua sông Đào được thiết kế gồm 16 nhịp, có tổng chiều dài 1,6km, trong đó phần vượt sông dài 0,8km, mặt cắt ngang 20,5m, phần đường dẫn hai đầu cầu dài 0,8km; quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Đơn vị thi công là liên danh 3 nhà thầu gồm Công ty cổ phần Xây dựng Nasaco, Công ty cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam, Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C. Thời gian thi công dự kiến trong 24 tháng.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố Nam Định được định hướng sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào là trục xương sống, phát triển về hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới nam sông Đào.
Phối cảnh dự án cây cầu dây văng có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. |
Công trình cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi sau khi hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc của thành phố Nam Định; được kỳ vọng sẽ tạo thêm đòn bẩy thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các dự án khu đô thị, làng nghề; góp phần quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi là một trong dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Nam Định nói riêng.
Dự án được kết nối trực tiếp với tuyến đường trục phía nam thành phố Nam Định và nối liên thông với tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (cả 2 tuyến đường này sẽ được khởi công trong năm nay), với tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Các dự án khi hoàn thành đồng bộ sẽ tạo ra không gian phát triển mới, tăng cường kết nối khu vực trung tâm thành phố Nam Định với các huyện phía nam và vùng kinh tế ven biển; giảm tải cho quốc lộ 21, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Ngay sau khi Tỉnh ủy đồng ý chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành, nhất là thành phố Nam Định tập trung triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục sớm hơn gần 2 tháng so kế hoạch đề ra.
Để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư, đồng chí đề nghị Thành ủy, Ủy ban dân dân thành phố Nam Định tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên theo dõi tiến độ thi công dự án, huy động thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất bảo đảm yêu cầu về chất lượng, mỹ thuật; phối hợp chặt chẽ các Sở, ngành, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh để dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.