Dự buổi lễ, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đinh La Thăng, Bộ trưởng GTVT; Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo các ban, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh; cùng đông đảo nhân dân trong khu vực cầu Tân Phong.
Dự án xây dựng công trình cầu Tân Phong có tổng mức đầu tư hơn 463 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và một phần vốn ngân sách, thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án 6 quản lý.
Công trình cầu Tân Phong do Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTV-CTCP (TEDI), Công ty CP tư vấn 2 tư vấn thiết kế; Liên danh KEI-OC-TEDI tư vấn giám sát.
Công trình cầu Tân Phong gồm ba gói thầu do các đơn vị: Công ty CP phát triển và thương mại Thuận An, Công ty CP cầu 11 Thăng Long, Tổng Công ty Thăng Long, Công ty CP cầu 14, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Công ty CP TASCO thi công; phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015.
Theo thiết kế, phần cầu có tổng chiều dài gần 684 m (đến mố đuôi) bằng bê-tông cốt thép; bề mặt cầu rộng 12 m, khổ thông thuyền BxH= 50 m x 9,5 m.
Đường dẫn hai bên cầu có chiều dài gần 1,5 km, trong đó, phía xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) khoảng 275 m, phần còn lại là đường dẫn phía xã Nam Phong (TP Nam Định).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao Dự án xây dựng cầu Tân Phong. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Tân Phong sẽ nối liền đường vành đai I của TP Nam Định, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh Nam Định, rút ngắn khoảng 10 km so với hiện nay, từ các huyện phía nam tỉnh Nam Định (trừ huyện Nghĩa Hưng) đi Thái Bình, Hải Phòng và chiều ngược lại; giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan, nâng cao hiệu quả khai thác hai tuyến quốc lộ 10, 21B và hệ thống giao thông liên vùng; tạo thêm động lực để TP Nam Định nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung có những bước phát triển mới trong tương lai.