Năm Căn sau chặng đường dài phát triển

Năm Căn là tên gọi hành chính cấp huyện ở miệt rừng ngập mặn Cà Mau. Theo lý giải của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Hoa, ngày trước có một người Hoa đến vùng này cất 5 căn nhà làm trại đáy bắt cá bên bờ sông Cửa Lớn. Nguồn lợi dồi dào thu hút dòng lưu dân về ngày càng đông đúc. Tên quen gọi “Năm Căn nhà” thủa sơ khai, lâu ngày thành địa danh.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng sông Cửa Lớn trên địa bàn huyện Năm Căn giáp bờ biển đông, thuận lợi kêu gọi đầu tư phát triển về năng lượng tái tạo, hậu cần nghề biển.
Dòng sông Cửa Lớn trên địa bàn huyện Năm Căn giáp bờ biển đông, thuận lợi kêu gọi đầu tư phát triển về năng lượng tái tạo, hậu cần nghề biển.

Là địa phương vùng sâu vùng xa, nhưng qua chặng đường dài hình thành và phát triển, Năm Căn trở thành phố thị động lực trong trục phát triển của tỉnh Cà Mau.

Vùng rừng chuyển mình sau ngày chia tách

Dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử của quân và dân Năm Căn là vào 15/4/1968. Thời điểm đó, hòa chung khí thế hừng hực của cả miền nam, bộ đội ta tiến công và giải phóng hoàn toàn chi khu Năm Căn.

Đây cũng là chi khu đầu tiên trong tỉnh Cà Mau (tên gọi ngày nay) được giải phóng, giúp mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở khu vực rừng ngập mặn, xây dựng trở thành hậu phương cách mạng cho địa phương và khu Tây Nam bộ.

Sau ngày giải phóng, qua nhiều lần chia tách với nhiều tên gọi khác nhau, Năm Căn được tái lập trên cơ sở chia tách từ huyện Ngọc Hiển (theo Nghị định số 138 ngày 17/11/2003 của Chính phủ), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Thời điểm chia tách, Năm Căn có diện tự nhiên hơn 482km2, dân số hơn 56.800 người, có 7 xã và 1 thị trấn, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 7,4 triệu đồng/người/năm.

Xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, lại xa trung tâm tỉnh lỵ, giao thông bộ bị ngăn cách... nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, sau 20 năm xây dựng và phát triển, quê hương Năm Căn đã có nhiều chuyển biến lớn lao trong công cuộc đổi mới.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Năm Căn đã tận dụng tốt cơ hội, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế-xã hội. Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu đột phá quan trọng, huyện tăng cường vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu về giao thông, hệ thống lưới điện quốc gia, thủy lợi, nước sạch, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở.

Năm Căn sau chặng đường dài phát triển ảnh 1
Bí thư huyện ủy Năm Căn (giữa) kiểm tra mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao ở xã Đất Mới, huyện Năm Căn.

Nhờ đó mà hiện tại, 100% xã ở Năm Căn đã có đường ô-tô về đến trung tâm; hơn 560km lộ nông thôn với nguồn lực đầu tư gần 450 tỷ đồng được xây dựng mới; 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26/30 trường học toàn huyện đạt chuẩn quốc gia (có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2); các xã, thị trấn đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%; hơn 88% hộ gia đình và 74% ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 57 triệu đồng/năm (tăng hơn 8 lần so với năm 2024); hộ nghèo chỉ còn 1,52% (giảm hơn 1.000 hộ so với năm 2004) và không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo…

Là người sinh sống lâu năm tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Mừng, khóm Sa Pô (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), cho biết, thời điểm mới chia tách, Năm Căn có 3 cái thiếu rất quan trọng: không đường, không trường, không trạm và nhiều nơi người dân phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng.

“Giờ thì khác xa trước lắm rồi, nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, lộ làng xe chạy về đến tận nơi không phải di chuyển đi bằng tàu đò như trước, con em có chỗ nơi học hành đàng hoàng. Ngay cả cái tuyến quốc lộ 1 về ngang huyện, vừa rồi xem tivi nghe Thủ tướng nói trong tương lai sẽ mở rộng đến 4 làn xe, rồi đầu tư luôn cái đường cao tốc về tận miệt Đất Mũi, cảm thấy mừng lắm”, ông Mừng chia sẻ.

Tận dụng thời cơ để phát triển

Những năm qua, Năm Căn tận dụng tốt lợi thế về nuôi trồng thủy sản để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, giúp nhà nông xóa bỏ dần tư duy sản xuất cũ để ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả.

Đến nay, trong hơn 25.600ha nuôi thủy sản toàn huyện, đã có hơn 650ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh cho năng suất cao. Huyện này còn mở rộng được vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến lên 14.000ha; tôm sinh thái dưới tán rừng gần 7.000ha, với tổng sản lượng thủy sản mỗi năm trung bình hơn 40.000 tấn.

Nhờ xây dựng được vùng nuôi ổn định nên mỗi năm, xuất khẩu tôm Năm Căn quy ra Việt Nam đồng khoảng hơn 1.000 tỷ. Ngoài sản phẩm chủ lực là con tôm, Năm Căn còn xây dựng được một số mặt hàng chủ lực, đặc thù có thị trường tiêu thụ ổn định, như: cua Năm Căn, sò huyết, bánh phồng tôm, tôm giống và cua giống…

Theo ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã xác định từng bước xây dựng Năm Căn thành trung tâm kinh tế động lực ven biển với khu kinh tế Năm Căn. Ngoài ra, thị trấn Năm Căn đã và đang đầu tư để phấn đấu trở thành đô thị động lực, cùng với đô thị Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) hình thành tam giác phát triển Cà Mau - Năm Căn - Sông Đốc.

Năm Căn còn lợi thế khi có 2 mặt giáp biển (phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan), thuận lợi phát triển giao thông đường thủy, du lịch thủy, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, rừng ngập mặn...

Năm Căn sau chặng đường dài phát triển ảnh 2
Từ vùng quê một thời chỉ lèo tèo vài căn nhà, Năm Căn giờ đã thành phố thị sầm uất.

Trên địa bàn còn có sân bay Năm Căn phục vụ công tác quốc phòng - an ninh và thăm dò, khai thác dầu khí, có thể kết hợp với các dịch vụ du lịch như vận chuyển hành khách tham quan du lịch…

“Địa phương đang tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư với các lĩnh vực có liên quan, làm đòn bẩy để phát triển về kinh tế-xã hội trong tầm nhìn dài hơi về hướng biển, làm giàu từ biển”, Chủ tịch Kiên chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền, Đảng bộ, quân và dân Năm Căn đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức chung lòng vượt lên khó khăn để đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm ổn định.

Thành quả ấy của chặng đường 20 năm còn xuất phát từ chủ trương, đường lối đổi mới kịp thời, đúng đắn của Đảng; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ từ tỉnh đến Trung ương…, tạo điều kiện để Đảng bộ, chính quyền, quân, dân huyện Năm Căn khắc phục mọi khó khăn, có bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới.

Tiếp nối thành quả ấy, đồng chí Lượng Trọng Quyền kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt Trận tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên; tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng huyện Năm Căn phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Thời gian tới, để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện nỗ lực, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, về giao thông, cơ sở hạ tầng, đầu tư… Phía địa phương cũng quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền nắm vững các nghị quyết, chủ trương của cấp trên để vận dụng khoa học, linh hoạt, hợp lý trong chỉ đạo, điều hành. Trong phát triển kinh tế-xã hội, huyện cũng ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, dồn sức chỉ đạo và huy động nguồn lực thực hiện các công trình tạo nên đột phá, thay đổi, không dàn trải.

-----

Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền