Năm 2025: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%

NDO -

Chính phủ đã ký Quyết định số 176/QĐ-TTg ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Một trong những mục tiêu cụ thể của chương trình là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030.

Ảnh minh họa: Đào tạo kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2.
Ảnh minh họa: Đào tạo kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2.

Mục tiêu chung của Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động (TTLĐ) đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là chương trình) là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chương trình cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu TTLĐ. Cụ thể như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030. Chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.

Thứ hai là tạo việc làm tốt hơn cho người lao động. Đó là phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%. Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm.

Thứ ba, giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo.

Thứ tư, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Theo đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030. Trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 5% lực lượng lao động vào năm 2030.

Thứ năm, đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin TTLĐ quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.

Chương trình cũng nêu ra sáu nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại; Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, kết nối cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; Hỗ trợ kết nối TTLĐ trong và ngoài nước, phát triển các TTLĐ đặc thù; Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành TTLĐ

Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản quy định chi tiết Luật.

Bên cạnh đó, còn có từ nguồn xã hội hóa, thu hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật; từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và nguồn hợp pháp khác.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, BHXH trên cơ sở rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu TTLĐ.