Năm 2024, doanh nghiệp ở Thái Bình cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề

NDO - Tại buổi ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra chiều 11/6 tại huyện Tiền Hải, phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho hay, nhu cầu cần lao động tinh thông nghề nghiệp, không phải đào tạo lại của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI là rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện, điện tử ở Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) đang rất cần lao động có trình độ tay nghề cao.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện, điện tử ở Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) đang rất cần lao động có trình độ tay nghề cao.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin nhanh: Qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng khoảng 78 nghìn lao động (trong đó: cao đẳng 21 nghìn; trung cấp 14 nghìn; sơ cấp trên 30 nghìn; 13 nghìn lao động phổ thông). Chỉ trong năm nay, nhu cầu này khoảng 12 nghìn lao động (trong đó: cao đẳng 3,2 nghìn; trung cấp 2,8 nghìn; sơ cấp 4 nghìn; 2 nghìn lao động phổ thông).

Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tăng lên hơn 82 nghìn lao động, trong đó cần 24 nghìn lao động trình độ cao đẳng; 18 nghìn lao động trình độ trung cấp, 19 nghìn lao động trình độ sơ cấp và gần 20 nghìn lao động phổ thông.

Năm 2024, doanh nghiệp ở Thái Bình cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề ảnh 1

Thái Bình hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trải dài trên khắp địa bàn.

Riêng Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động. Hiện nay đã có 25 dự án, với nhu cầu sử dụng khoảng 40 nghìn lao động.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh chủ động tuyển chọn được lực lượng lao động qua đào tạo phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thời gian qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lao động vào làm việc trong Khu kinh tế Thái Bình.

Đồng thời, triển khai các hoạt động Chương trình phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh; khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao trong khu vực để lựa chọn kết nối hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp theo từng nhóm lĩnh vực.

Được biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình sẵn sàng phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thành phố và đơn vị liên quan đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động kết nối, hợp tác cung ứng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

Năm 2024, doanh nghiệp ở Thái Bình cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề ảnh 2

Ký kết hợp đồng nguyên tắc trong hợp tác đào tạo nghề giữa Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội với 2 doanh nghiệp FDI của tỉnh Thái Bình chiều 11/6/2024.

Tại Hội nghị hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp diễn ra chiều nay, Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội và Công ty TNHH Lotes, Công ty TNHH Headway Apparel đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, làm cơ sở để cùng nhau hợp tác đào tạo, gắn với nhu cầu sử dụng lao động.

Đây là buổi ký kết thứ hai trong năm nay được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện nhằm lan tỏa đến chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh về một chủ trương lớn của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.