Chuẩn hóa kỹ năng lao động trong kỷ nguyên số

Theo Báo cáo Tổng Chỉ số nguồn nhân lực 2022 của ManpowerGroup, Việt Nam xếp thứ 47/60 thị trường lao động toàn cầu, và xếp cuối cùng trong số 11 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và mặc dù có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), nhưng số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với ba năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh hướng dẫn sinh viên thực hành nghề cơ điện. (Ảnh: Minh Thắng)
Thầy giáo Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh hướng dẫn sinh viên thực hành nghề cơ điện. (Ảnh: Minh Thắng)

Nguồn cung dồi dào, nhưng trình độ, kỹ năng hạn chế

Theo thống kê, Việt Nam hiện có một lực lượng lao động dồi dào với khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, nhóm thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1980-1994) và thế hệ Z (từ 1995-2012) chiếm gần 2/3 lực lượng lao động trong nước, với khoảng 65%.

Các chuyên gia của ManpowerGroup nhận định, việc sở hữu một nguồn cung lao động trẻ và dồi dào khi nhiều quốc gia đang phải đau đầu giải quyết vấn đề già hóa dân số là một trong những lý do khiến thị trường Việt Nam được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có một chỉ số đáng lưu ý khác, đó là tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam chiếm đến 55% tổng lực lượng lao động. Lực lượng lao động phi chính thức này thường không có hợp đồng lao động và khả năng được bảo hiểm xã hội rất hạn chế.

Việt Nam hiện có một lực lượng lao động dồi dào với khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, nhóm thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1980-1994) và thế hệ Z (từ 1995-2012) chiếm gần 2/3 lực lượng lao động trong nước, với khoảng 65%.

Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2020-2021 đã chứng kiến tỷ lệ lao động phi chính thức tăng cao. Việc chuyển đổi lao động phi chính thức sang chính thức để giúp họ bảo đảm an sinh việc làm và khai thác hết tiềm năng của nhóm lao động này sẽ là một thách thức lớn đối với Chính phủ.

Đồng thời, trình độ kỹ năng tiếp tục được đề cập là một trong những điểm yếu lao động Việt Nam cần khắc phục để vươn lên sánh ngang với các thị trường khác. Theo đó, mặc dù có tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với ba năm trước.

Các kỹ năng mềm, trong đó có khả năng ngoại ngữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các ngành nghề, ngay cả ở những lĩnh vực vốn thiên về kỹ thuật sản xuất... Tuy nhiên, Báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam 2022 cho thấy, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này là khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh khác trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%)... Bên cạnh tiếng Anh, một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn được không ít đơn vị tìm kiếm.

Đến năm 2030 có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra rằng, ở nước ta, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi.

Giám đốc ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, sẽ có lúc Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này bởi số lượng công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao đang tăng nhanh gấp 3 lần tổng số việc làm. Câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra là: Những công việc này sẽ đòi hỏi những kỹ năng gì? Chúng ta sẽ thực hiện dự báo các kỹ năng mà nền kinh tế cần như thế nào?

“Về kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai thì lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu từ những dự báo về kinh tế vi mô, dựa trên các xu hướng phát triển kinh tế, nhân khẩu học, chính trị, giải nghĩa những dự báo về ngành nghề từ những con số thống kê. Có thể phân tích xu hướng nghề nghiệp của năm sau dựa trên những dự báo tổng quan của từng khu vực dựa trên những thông tin thu thập được về tuyển dụng, từ đó có thể nghiên cứu sâu hơn về các nhóm kỹ năng lao động.”

Giám đốc Chương trình Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững ở Việt Nam, ILO tại Việt Nam Gulmira Asanbaeva

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo, nhưng sự thay đổi của chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên thị trường lao động

Chính vì vậy, việc xây dựng dự báo cung-cầu lao động cho thị trường lao động Việt Nam là điều không thể chậm trễ hơn được nữa. Để chủ động nắm bắt những diễn biến của cung-cầu lao động, từ đó quản trị và điều tiết hệ thống lao động tốt hơn, Việt Nam cần cải tiến trong phương thức dự báo cung-cầu, đây là yêu cầu tất yếu. Dự báo được cung-cầu lao động giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, và cân đối hơn trong cơ cấu lao động, tạo ra nguồn lao động chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế mỗi giai đoạn. Và hơn thế nữa, việc dự báo này sẽ giúp nền giáo dục đào tạo chính xác hơn và dần chuẩn hóa kỹ năng lao động trong kỷ nguyên số.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án là chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động; Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản… Kỹ năng nghề của Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, Đề án cũng sẽ bảo đảm cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho hơn 70% lực lượng lao động. Xây dựng mới và cập nhật khoảng 500 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, 500 bộ ngân hàng câu hỏi kiến thức, bài thi thực hành tương ứng từng nghề để phát triển chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

“Vì vậy, phải phát triển nội tại hệ thống, các trường phải bảo đảm dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp cũng phải có hệ thống đào tạo theo luật việc làm, để bảo đảm dạy chuyển tiếp cho lao động khi chuyển đổi công nghệ, và phải cập nhật xu hướng quốc tế...”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra mới đây, đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn cũng chia sẻ về nhu cầu “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng, cần có sự hợp tác đa phương giữa đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ ngân sách giải ngân để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề và tái đào tạo kỹ năng của người lao động.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyen Việt Nam Tsai Wen Tsung cũng đề nghị, về ngắn hạn, mong Chính phủ tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao. “Vấn đề này chúng tôi thấy còn hạn chế ở Việt Nam. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp chúng tôi có thể tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong nước. Về dài hạn, tôi cho rằng giáo dục là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất.”