Năm 2023, tiếp tục tập trung thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

NDO - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Bộ Xây dựng là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thúc đẩy đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định

Bộ Xây dựng vừa ban hành Chương trình hành động của ngành xây dựng về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng là tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; trọng tâm là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.

Cụ thể, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung nghiên cứu đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.

Hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản, để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ Xây dựng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; phấn đấu năm 2023 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2023, tiếp tục tập trung thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh ảnh 1

Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: DANH LAM)

Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình

Năm 2023, Bộ Xây dựng cũng sẽ chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình; tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng.

Theo đó, Bộ sẽ kiện toàn quy chế thực hiện, quy trình kiểm soát để nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng. Tham gia góp ý kiến đối với các dự án theo quy định với chất lượng cao, bảo đảm thời gian yêu cầu.

Nâng cao chất lượng cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và bổ sung ngân hàng câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề; duy trì hoạt động ổn định của phần mềm quản lý năng lực hoạt động xây dựng và phần mềm sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề.

Tăng cường công tác kiểm tra quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, giám định tư pháp xây dựng, an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu sự cố. Chủ động tổ chức các đoàn làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tình hình, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng. Kiểm tra theo kế hoạch đối với công trình thuộc trách nhiệm Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng.

Tiếp tục triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với Báo cáo tổng kết Đề án và xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong các năm tiếp theo. Tổ chức thực hiện Chương trình hướng dẫn Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng sau khi được phê duyệt. Tập trung triển khai Đề án An ninh kinh tế trong bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Tổ chức nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các địa phương đã ban hành, gắn mã hiệu mới để bảo đảm tính hệ thống, thống nhất trong quản lý; xây dựng kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng cho những năm tiếp theo; xác định danh mục các loại công tác chưa được xây dựng định mức. Vận hành, quản lý khai thác có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng.

Ngoài các nhiệm vụ kể trên, trong năm 2023, Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Ưu tiên, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành xây dựng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công,…