Lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Những vướng mắc về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản (BĐS), nhà ở gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái và tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Nhà nước cần triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi, tăng trưởng theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường nhà ở trầm lắng trong thời gian qua.
Thị trường nhà ở trầm lắng trong thời gian qua.

Còn những khó khăn, thách thức

Thời gian qua, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thách thức khiến các doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư hoang mang. Có thể thấy, thị trường nhà ở suy giảm đã gây ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn xây dựng, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, ngành kinh doanh sắt thép, trang thiết bị nội-ngoại thất, môi giới, tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán… đều bị tác động nhất định từ các hoạt động liên quan lĩnh vực này.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nền kinh tế và thị trường BĐS nước ta chịu tác động nghiêm trọng, kèm theo đó là các xung đột địa chính trị đã dẫn đến lạm phát tăng cao, nguy cơ suy thoái kinh tế và khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hiện hữu rõ rệt. Thị trường gặp khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng vốn, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Nhiều nơi thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, nhưng lại thừa nhà ở cao cấp. Cùng với đó, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chưa chặt chẽ, có hiện tượng thao túng, không công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp BĐS trên thị trường chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp BĐS phát triển nóng, thiếu tài sản bảo đảm, có hiện tượng phát hành trái phiếu, huy động vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích. Ngoài ra, công tác quản lý sử dụng đất tại các địa phương còn có một số tồn tại bất cập, trong đó có không ít trường hợp trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần so giá khởi điểm, gây tác động mạnh đến sự phát triển thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết, thị trường BĐS nội tại đang có dấu hiệu chững lại, lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh, đó là một nghịch lý cần phải được xem xét. Nguyên nhân có thể là do thị trường đang gặp một số điểm nghẽn về pháp lý, đất đai, đầu tư, nhà ở, nguồn vốn tín dụng, đặc biệt đối với người mua nhà và thị trường người tiêu dùng. Trong khi đó, các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác lại đang gặp trục trặc. Hiện, không ít doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình mới, hoặc bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án và bán sản phẩm BĐS, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng.

Cụ thể các giải pháp bằng hành động

Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS, Nhà nước đã triển khai, tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó xác định mục tiêu cụ thể là năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất để xóa bỏ các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý của thị trường BĐS. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định số 1435 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở. Đồng thời, gửi công điện đến các bộ, ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu…

PGS, TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị, Nhà nước cần có một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường như nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan lĩnh vực BĐS; hoàn thiện các chỉ báo thị trường như chỉ số giá đất, giá nhà, thị trường nhà ở; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển BĐS cần hướng đến tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện.

Tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”, các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS năm 2023 có nhiều điểm sáng để phát triển khi nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, trong đó, quan trọng nhất là Luật Đất đai (sửa đổi). Bước sang năm 2023, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương chú trọng phát triển nhà ở xã hội, góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hóa phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.

Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,02%, lạm phát kiểm soát ở mức 3,15%, có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam. Những điều này được trông đợi có thể góp phần “phá băng” thị trường BĐS, thúc đẩy thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS, đồng thời hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới.