Năm 2023, kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng

NDO - Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, theo kế hoạch kiểm toán năm 2023, tính đến ngày 30/9, Kiểm toán nhà nước đã phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. (Ảnh: DUY LINH)
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Nâng cao hiệu quả kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sáng 6/11, báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 và Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Cụ thể, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội đề ra nhiệm vụ “Tăng cường công tác kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiểm toán chuyên đề các nội dung Đoàn giám sát nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 trong kế hoạch kiểm toán năm 2023”.

Thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán; ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng.

Kiểm toán nhà nước cũng đã tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu định hướng bám sát lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, định hướng kế hoạch kiểm toán trung hạn và các nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2023, kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng ảnh 1

Các đại biểu dự phiên họp của Quốc hội, sáng 6/11. (Ảnh: DUY LINH)

Kế hoạch kiểm toán năm 2023 thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 27 bộ, cơ quan Trung ương, đạt tỷ lệ 66% (27/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52 địa phương, đạt tỷ lệ 83% (52/63) số đầu mối.

Số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 23% tổng số cuộc kiểm toán (30/129 cuộc), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, đến nay, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đang được thực hiện theo đúng Phương án tổ chức kiểm toán đã ban hành.

Tính đến ngày 30/9, Kiểm toán nhà nước đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, tương đương cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 89,6%), phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, Kiểm toán nhà nước đã phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.

Đối với nhiệm vụ “Tăng cường và đa dạng các hình thức công khai thông tin kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật, bảo đảm cung cấp các thông tin kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước.

Cung cấp đầy đủ các Báo cáo kiểm toán đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hình thức điện tử”, hàng năm, Kiểm toán nhà nước đều thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về tăng cường công khai kết quả kiểm toán tại Nghị quyết số 74/2022/QH15, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức số hóa và cung cấp toàn bộ các báo cáo kiểm toán năm 2022, các báo cáo kiểm toán phát hành từ năm 2023 đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kết quả thực hiện cho thấy, về cơ bản các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm. Riêng năm 2023, thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 trong 9 tháng đầu năm theo báo cáo của các đơn vị đạt 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,63%).

Giai đoạn 2020-2022, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước về đất 3.377 tỷ đồng

Năm 2023, kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng ảnh 2

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo. (Ảnh: DUY LINH)

Về thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Kiểm toán nhà nước đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm.

Tổng hợp kết quả kiểm toán có liên quan trong giai đoạn từ năm 2020-2022, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước về đất 3.377 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp tại 8 văn bản quy phạm pháp luật và 6 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; 12 văn bản quy phạm pháp luật và 23 văn bản khác do các địa phương ban hành.

Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng và đã được Kiểm toán nhà nước kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong từng báo cáo kiểm toán.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả và chất lượng các Nghị quyết của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đã ban hành để chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện.

Ngoài ra, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, tạo điều kiện Kiểm toán nhà nước nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.