Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động “Biến thách thức thành hành động”, năm 2021, Tập đoàn VNPT đã vững vàng vượt qua thách thức thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị chủ lực về viễn thông-công nghệ thông tin với đất nước, với cộng đồng, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho biết, năm vừa qua là một năm đầy khó khăn, thách thức, song với tinh thần quyết liệt đổi mới từ tư duy đến hành động, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, VNPT đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.
Cụ thể, năm 2021, tổng doanh thu Tập đoàn đã đạt 56.605 tỷ đồng, bằng 103,4% kế hoạch; lợi nhuận đạt 7.103 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.371 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 5.408 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 10%.
Tập đoàn cũng tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT. Theo công bố tháng 12 của Brand Finance, thương hiệu VNPT đứng thứ 2 trong top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh với 36 giải thưởng từ các tổ chức quốc tế uy tín, tăng 5 giải so với 2020.
Trong năm 2021, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, VNPT đã vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng, chống Covid-19. Với những thế mạnh hiện có về hạ tầng số, hệ sinh thái số, VNPT đã chủ động, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm mạng lưới thông tin thông suốt, đáp ứng các yêu cầu về kết nối phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo phòng, chống dịch từ trung ương tới tận thôn, xã.
Ngoài ra, Tập đoàn còn tham gia các chương trình an sinh xã hội lớn Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cả xã hội trong phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh như: ủng hộ 400 tỷ đồng bằng tiền mặt vào Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19; cam kết và đang triển khai hỗ trợ 37.000 máy tính bảng trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;… Tổng giá trị đóng góp/ủng hộ của VNPT đồng hành cùng Chính phủ và người dân đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tính đến hết tháng 11 là 3.040 tỷ đồng.
VNPT cũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao ở vai trò tham gia trong xây dựng các nền tảng, sản phẩm “Make in Viet Nam”. Thí dụ, Từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do VNPT chung tay xây dựng đã chính thức được vận hành, đánh dấu một mốc quan trọng việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ điều hành của Chính phủ.
Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên toàn quốc, VNPT đã phát triển và khai trương nền tảng Chuyển đổi số doanh nghiệp oneSME từ ngày 6/8. Tháng 11, VNPT đã công bố cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money trên cả nước và đưa loại hình thanh toán không tiền mặt mới tới người dân. Sự ra đời của Mobile Money đã thể hiện thế mạnh trực tiếp của VNPT khi tham gia vào lĩnh vực tài chính số, cùng với các dịch vụ số khác góp phần đưa VNPT trở thành doanh nghiệp công nghệ số dẫn dắt quá trình thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam thông qua phát triển hạ tầng số, các nền tảng thanh toán số.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh nhiệt liệt chúc mừng những thành tích VNPT đạt được trong năm 2021. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh cũng đề nghị Hội đồng Thành viên Tập đoàn chỉ đạo triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát triển năm 2022 ngay từ những ngày đầu năm mới, trong đó lưu ý một số công việc sau:
Thứ nhất, Tập đoàn cần triển khai nhanh và mạnh nhiều giải pháp để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Thứ hai, VNPT cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đối mới sáng tạo ở tất cả các đơn vị để trở thành doanh nghiệp “lớn” nhưng không “chậm”. Thứ ba, tập trung xây dựng và hoàn thiện các khung khổ quan trọng trong giai đoạn mới như: Chiến lược phát triển, Đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Cuối cùng, tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự bắt kịp với xu hướng kinh doanh, công nghệ mới. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị cũng cần tiếp tục được rà soát, bổ sung, kiện toàn.
Chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ cho VNPT cho năm 2022 tới, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long lưu ý, Tập đoàn cần tập trung đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng số, khẩn trưởng phủ sóng 4G, bảo đảm 100% người dân đều có sóng. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai mạng 5G trong năm 2022, cơ bản phủ toàn quốc những địa bàn trọng yếu. Để làm được điều đó, công tác chuẩn bị cần triển khai cụ thể, kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.
VNPT cũng cần có giải pháp, kế hoạch để phấn đấu mục tiêu đến cuối năm 2022, mỗi khách hàng của VNPT đang dùng mạng 2G sẽ chuyển sang dùng mạng 4G, hướng tới mỗi người dân đều được kết nối băng rộng và có điện thoại thông minh. Đây là mục tiêu quan trọng của Chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách số trong xã hội số.
Ngoài ra, VNPT cần khẩn trương xây dựng hạ tầng dữ liệu, trước hết các trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây quy mô khu vực; phát triển hạ tầng thanh toán số, đặc biệt phấn đấu cuối năm 2022, 100% khách hàng của VNPT đều có tài khoản Mobile Money.