Cơ cấu cung-cầu nông sản: Thế kiềng 3 chân
Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đã liên tục giữ vị trí dẫn đầu về lượng xuất khẩu của ngô và đậu tương, hai nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu. Đối với lúa mì, Mỹ cũng đang giữ vị trí cao trong danh sách những nhà xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 10% thị phần thế giới. Mỹ có được kết quả này chủ yếu là nhờ quá trình hiện đại hóa, tăng cường năng suất trong ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Brazil đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với Mỹ nhờ vào khả năng mở rộng diện tích canh tác. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đậu tương năm 2024 của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 161 triệu tấn, tăng hơn 18% so mức trung bình 5 năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu ngô niên vụ 2023/24 của nước này dự kiến sẽ tiếp tục giữ vị trí số 1 toàn cầu trong năm thứ hai liên tiếp, với 27% thị phần thế giới.
Về phía cầu, Trung Quốc hiện đang chiếm ít nhất 2/3 cơ cấu nhập khẩu đậu tương và khoảng 13% nhập khẩu ngô của toàn thế giới. Mặc dù cũng sản xuất nhiều ngũ cốc nhưng với nhu cầu tiêu thụ khổng lồ, quốc gia này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nông sản từ thị trường bên ngoài, chủ yếu là từ Mỹ và Brazil.
Có thể thấy, bức tranh cung-cầu nông sản thế giới phụ thuộc chủ yếu vào ba quốc gia nói trên. Bất kỳ sự dịch chuyển thương mại nào trong mối quan hệ này đều có thể tạo ra biến động lớn tới giá nguyên liệu nông sản toàn cầu.
Mỹ mất dần “miếng bánh” xuất khẩu vào tay Brazil
Giai đoạn quý IV hằng năm thường là thời điểm nông sản Mỹ chiếm lợi thế trong thương mại quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay, Mỹ vẫn chỉ duy trì mức xuất khẩu khá khiêm tốn sang thị trường này. Ngược lại, Brazil liên tục đứng đầu với tăng trưởng doanh số hàng tháng mạnh mẽ so cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lũy kế bán hàng đậu tương Mỹ từ đầu niên vụ 2023/24 đến nay đã giảm hơn 16% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đến Trung Quốc sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 2,3 triệu tấn trong tháng 11, giảm 30%. Trung Quốc đang tích cực đa dạng hóa nguồn cung và chuyển hướng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản từ Brazil hơn là Mỹ.
Đặc biệt đối với ngô, vào tháng 11, Brazil đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc trong năm nay. Điều này đạt được chỉ sau một năm quốc gia Nam Mỹ này xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên thành công sang Trung Quốc vào cuối năm 2022. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua 22,18 triệu tấn ngô, trong đó 40% từ Brazil và chỉ chưa đến 30% đến từ Mỹ.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đánh mất “miếng bánh” xuất khẩu. Vào năm 2013, Mỹ đã phải nhường vị trí dẫn đầu xuất khẩu đậu tương cho Brazil và cho tới nay vẫn chưa thể lấy lại ngôi vương. Tính riêng thị trường Trung Quốc, thị phần đậu tương Mỹ trong thời kỳ đỉnh cao đạt tới 62% vào niên vụ 2011/12. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến con số này giảm xuống còn 28% trong niên vụ 2018/19. Cùng lúc đó, Brazil đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội nhờ ưu thế sản lượng đậu tương liên tiếp đạt kỷ lục trong những năm gần đây”.
Xuất khẩu của Mỹ giảm, giá thức ăn chăn nuôi có bị ảnh hưởng?
Xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Mỹ trong năm nay bị sụt giảm có thể do hai lý do chính. Một mặt, hoạt động vận tải đã bị cản trở do hạn hán ở sông Mississippi và kênh đào Panama, vốn là tuyến đường vận chuyển khoảng 40% tổng lượng ngô và đậu tương của Mỹ tới các cảng. Nếu tình trạng chậm trễ kéo dài đến tháng 4 và tháng 5 năm sau, chi phí cao có thể tăng cường rủi ro các nhà nhập khẩu Đông Á sẽ hủy bỏ các đơn hàng ngũ cốc đã đặt mua từ trước của Mỹ.
Mặt khác, giá đậu tương Brazil đã rẻ hơn nhiều sau khi nước này thu hoạch vụ mùa kỷ lục trong đầu năm nay. Đậu tương mới thu hoạch của Mỹ, mặc dù vẫn được nông dân tích cực bán hàng, tuy nhiên, mức độ cạnh tranh vẫn tương đối kém so với nguồn cung tại Nam Mỹ.
Ông Phạm Quang Anh nhận định: “Kịch bản khó khăn hơn với xuất khẩu của Mỹ là Trung Quốc sẽ tạm dừng mua hàng trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm của quốc gia này, và chờ đến đầu năm sau khi Brazil bắt đầu thu hoạch để nhập khẩu với giá rẻ hơn. Giá ngô Mỹ lúc này có thể phải đối mặt với áp lực rất lớn khi tồn kho trong nước tăng lên”.
Mặc dù Mỹ đang gặp thách thức vì xuất khẩu bị giảm, nhưng tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn tăng trưởng ổn định. 40% ngô và đậu tương Mỹ hằng năm được sử dụng để sản xuất ethanol và ép dầu đậu tương, đóng góp quan trọng vào năng lượng tái tạo. Các chuyên gia dự báo nhu cầu về dầu đậu tương trong sản xuất dầu diesel sinh học tại Mỹ sẽ gia tăng mạnh mẽ, thậm chí có thể là động lực để nông dân mở rộng diện tích canh tác trong mùa vụ năm sau.
“Nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ bù đắp cho mảng xuất khẩu sụt giảm của Mỹ. Do đó, dự kiến giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024 do áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Brazil và Argentina, nhưng tốc độ giảm sẽ thấp hơn so với giai đoạn 6 tháng trước đó”, ông Quang Anh đánh giá.