Quan trọng là tâm lý thị trường
Thông tin Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có từ hôm 9-5. Ngày 10-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 6 đồng lên mức 23.057 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.749 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.365 đồng/USD. Tuy nhiên, một số ngân hàng (NH) có giao dịch ngoại tệ lớn đồng loạt giảm giá đồng bạc xanh với mức phổ biến từ 40 đến 70 đồng/USD mỗi chiều mua - bán so với phiên trước đó. Tỷ giá được các ngân hàng thương mại niêm yết ở mức mua vào 23.360 đồng/USD, bán ra 23.430 đồng/USD.
Vì sao thị trường lại phản ứng ngược như vậy? Có lẽ chính từ thông tin được NHNN đưa ra trước đó. Tại cuộc hội thảo hôm 8-5, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định: tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2 - 2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỷ USD). Thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối… Phó Thống đốc cũng khẳng định: Năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường. NHNN cũng sẽ và có đầy đủ biện pháp, công cụ để can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết…
Tâm lý thị trường luôn là vấn đề khó ứng phó nhất của nhà điều hành. Những diễn biến mới về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, do lo ngại Nhân dân tệ mất giá so với đô-la Mỹ. Do đó, giải pháp hàng đầu của NHNN (đã triển khai khá thành công trong những năm gần đây) chính là duy trì niềm tin, giúp ổn định tâm lý thị trường với định hướng trong điều hành tỷ giá được công bố rõ ràng ngay từ đầu năm. Thực tế cho thấy, điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn với thử thách từ diễn biến khó lường của thị trường thế giới những năm gần đây.
Tuy nhiên, dù có lạc quan đến mấy cũng phải nhìn nhận với diễn biến mới của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn và đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam thì không thể nói bối cảnh hiện nay là dễ dàng đối với chúng ta.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ chưa dừng lại và tiếp tục có tác động xấu đến thị trường tài chính - ngân hàng toàn cầu. Sắc đỏ tràn ngập trên các sàn chứng khoán. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đang xem xét một cách cẩn trọng để dịch chuyển dòng vốn đầu tư sao cho ít bị thiệt hại nhất…
Trong bối cảnh này chúng ta đang có lợi thế nhất định. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất không chỉ trong khu vực mà trên thế giới. Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings vừa thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Fitch ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện về quản lý kinh tế: thặng dư tài khoản vãng lai, mức nợ chính phủ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định. Fitch ghi nhận tỷ giá của Việt Nam được điều hành linh hoạt và có sự ổn định trong năm 2018... Tháng tư vừa qua, Standard & Poor’s đã nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng “Ổn định”.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả gián tiếp và trực tiếp vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Số liệu từ Cục Ðầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư công bố cho thấy, FDI quý I-2019 đạt kỷ lục hơn 10 tỷ USD về giá trị vốn đầu tư đăng ký so cùng kỳ trong vòng ba năm trở lại đây. Tính đến ngày 20-4-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so cùng kỳ năm 2018... Công nghiệp chế biến chế tạo đang thu hút nhiều vốn FDI nhất, bỏ xa các lĩnh vực khác với 202.989 triệu USD. Tiếp đó là đầu tư bất động sản 58.271 triệu USD. Chuyên gia dự báo, Việt Nam vẫn có thể thu hút vốn FDI bình quân khoảng 20 - 25 tỷ USD/năm từ nay đến cuối năm 2025. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp cũng có thể gia tăng trong thời gian tới qua các thương vụ cổ phần hóa của DN lớn tại Việt Nam.
Với yếu tố thuận lợi này và Quỹ dự trữ ngoại hối đã lớn hơn trước đây rất nhiều, nhà điều hành đang có “lưng vốn” kha khá để ứng phó biến động của thị trường. Vấn đề quan trọng hiện nay là tiếp tục củng cố niềm tin của thị trường vào chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả của NHNN như đã, đang có. Các nhu cầu ngoại tệ chính đáng cần được đáp ứng, bảo đảm thanh khoản của thị trường. Theo thông tin chúng tôi có được, NHNN luôn theo sát diễn biến trên thị trường và có kịch bản ứng phó cho các tình huống khác nhau. Diễn biến xấu nhất là tiền tệ sẽ được sử dụng làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát tốt lạm phát để giữ giá trị VND đang là thách thức lớn khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng…
Dù sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không phải bây giờ mới bắt đầu. Với những ứng xử liên tục thay đổi của chính phủ hai nước từ khi nó được châm ngòi đến nay thì rất khó để dự báo cuộc chiến sẽ đi đến đâu. Trong môi trường diễn biến khó lường như vậy, một chiến lược mềm dẻo, linh hoạt để tránh bị cuốn vào “bão” là hợp lý hơn cả.
Năm 2019, tỷ giá biến động ở mức nào?
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Nếu không có tác động quá lớn, theo tôi, tỷ giá chỉ dao động ở mức 2-3% và thị trường hài lòng với biên độ này.
Ông Võ Trí Thành: Tôi tin rằng tỷ giá năm nay biến động có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%. Năm ngoái mọi người nói 3-5% nhưng tôi nói chỉ 2% và tôi đã đúng.