Mượt mà điệu ví, giặm xứ Nghệ

Tròn 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay, các câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở tỉnh Nghệ An đã tạo thành phong trào sinh hoạt văn hóa quần chúng sôi nổi. Nổi bật là mô hình câu lạc bộ ví, giặm Nghệ Tĩnh tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Các thành viên cao tuổi đến lứa thanh niên, thiếu nhi đều chung tay gìn giữ và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân và các câu lạc bộ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân và các câu lạc bộ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Thành lập năm 2012, câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân có 45 thành viên, tích cực tham gia sinh hoạt, sưu tầm và truyền dạy di sản.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được sinh ra trong lao động, gắn với môi trường lao động sản xuất. Mỗi nghề nghiệp lại có những câu ví, làn điệu riêng như ví phường cấy, ví đò đưa, ví trèo non, hò kéo gỗ.

Nghệ nhân Cao Thị Tứ và nghệ nhân Ngô Thị Huyền nay đã ở lứa tuổi U60, là những thành viên năng nổ, thường xuyên tập luyện, biểu diễn và giao lưu văn nghệ với các xã lân cận, góp mặt trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng và truyền dạy cho giới trẻ ở làng quê. Các làn điệu hát ru, hát ví, hát đối đáp, ứng tác ngọt ngào, sâu lắng được học truyền miệng từ ông bà, cha mẹ trong khi lao động, làm nông nghiệp… nay lại truyền dạy cho lớp sau.

Say mê từng câu ví, làn điệu thắm đượm tình quê, các nghệ nhân khẳng định: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không bao giờ phai mờ, bởi thế hệ này truyền dạy cho thế hệ khác một cách tự nhiên.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được sinh ra trong lao động, gắn với môi trường lao động sản xuất. Mỗi nghề nghiệp lại có những câu ví, làn điệu riêng như ví phường cấy, ví đò đưa, ví trèo non, hò kéo gỗ.

Ngày nay, những làng nghề truyền thống đang dần mất đi, khiến các không gian diễn xướng truyền thống không còn, thay vào đó là môi trường diễn xướng mới, được xây dựng, hình thành trên các tuyến phố đi bộ hay tái hiện trong các liên hoan, các hội diễn hoặc sân khấu hóa, gắn với các sự kiện chính trị, ngày hội, ngày lễ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Tâm, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân, việc sân khấu hóa không gian diễn xướng dân ca ví, giặm cần nhất là không được biến tướng, sai lệch với truyền thống. Ðây là điều rất cần thiết, vừa phục vụ và đáp ứng thị hiếu hiện nay, đồng thời tạo môi trường cho dân ca tồn tại. Người dân, khách du lịch, khán giả sẽ tiếp cận được với làn điệu dân ca ví, giặm. Nếu bó hẹp không gian diễn xướng, giới trẻ sẽ xa rời di sản truyền thống này.

Thành viên câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân cũng tích cực bảo tồn, bảo vệ di sản bằng nhiều giải pháp, trong đó chú trọng gìn giữ những tư liệu cổ, những giá trị đã được trao truyền trong cộng đồng như những làn điệu, trích đoạn, tuồng tích dân ca xứ Nghệ, bài vè, bài giặm.

Thành viên câu lạc bộ tích cực ghi chép, biên tập thông qua các hoạt động ký âm, sưu tầm trong dân gian các làn điệu cổ từ những người cao tuổi. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã sưu tầm 15 tác phẩm dân gian có giá trị, bổ sung vào kho tư liệu dân gian của tỉnh Nghệ An.

Là người tích cực sáng tác, soạn lời mới cho các làn điệu cổ, nghệ nhân Nguyễn Trọng Tâm cho biết: "Ngoài những làn điệu mộc mạc, giản dị được sáng tác trong lao động, dân ca ví, giặm còn có lời hát cổ mang tính răn dạy, giáo dục sâu sắc của người xưa, khuyên dạy con cháu sống có đạo hiếu như: Phụ tử tình thâm, Thập ân phụ mẫu, Khuyên con giữ đạo làm dâu... Ðể thế hệ trẻ dễ tiếp cận, tôi lựa chọn những chủ đề mới phù hợp đời sống đương đại, cải biên, soạn lời dễ nghe, dễ nhớ để giới trẻ dễ hiểu, dễ ngấm".

Ðến nay, câu lạc bộ đã sáng tác, biên soạn, biểu diễn 38 tác phẩm dân ca mới như màn diễn xướng: Duyên phường bánh, Trai khôn tìm vợ chợ đông, Quê hương mời gọi, Hưng Tân khúc hát nghĩa tình…

Xác định việc trao truyền di sản đóng vai trò quan trọng đối với thế hệ trẻ, định kỳ mỗi tháng một lần, các nghệ nhân, các thành viên trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ tích cực phối hợp các trường học trên địa bàn xã truyền dạy cho học sinh trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Câu lạc bộ có hơn 20 thiếu nhi theo học, nay đã biết hát cơ bản các làn điệu dân ca ví, giặm. Song song nhiều giải pháp, trong các hội thi, hội diễn, diễn đàn giao lưu đều chú trọng đưa thời lượng của dân ca ví, giặm để quảng bá rộng rãi di sản này.

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Hưng Tân cũng được giao nhiệm vụ biểu diễn thực nghiệm quảng bá di sản, đón khách tham quan, trao đổi mô hình nhưng chưa xây dựng được thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để thu hút du khách. Ngoài ra, hoạt động của câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó hạn chế nhất là về kinh phí hoạt động.

Tuy còn nhiều thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, có thể thấy, những người con quê hương Hưng Tân đã không ngừng nỗ lực giữ lửa cho làn điệu ví, giặm, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân cũng như tuyên truyền, phát triển và quảng bá rộng rãi giá trị di sản quý báu này trong đời sống đương đại.