Nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015) tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Trang Thế Hy không phải là người thành đạt sớm trong văn chương. Bút danh Trang Thế Hy cũng xuất hiện sau cột mốc 1975, còn trước đó ông dùng các bút danh Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái Văn…
Nhà xuất bản Trẻ ra mắt Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy
Nhà văn Trang Thế Hy tập trung viết thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”… Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền nam Việt Nam (1960-1965).
Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Cả sự nghiệp của ông có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và bốn tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên nhật báo. Có thể nói, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi của hành trình sáng tạo Trang Thế Hy, với một loạt truyện ngắn tạo được ấn tượng mạnh mẽ như “Mưa ấm”, “Nợ nước mắt”, “Nghệ thuật làm bố dượng”, “Về nhà trước cơn mưa”, “Tiếng hát và tiếng khóc”, “Vết thương thứ 13”…
Khách mời giao lưu tại buổi tọa đàm. |
Ông chủ động hướng tác phẩm của mình về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực. Và, nhà văn đã tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những con người bình thường và bình dị. “Qua văn chương Trang Thế Hy, mỗi con người đều xứng đáng được cảm thông và nâng đỡ để sống lương thiện và an lành”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Mặc dù, đồng nghiệp và công chúng không còn thấy bóng dáng gầy gò và trầm tư của ông trên cõi đời nữa, nhưng tác phẩm Trang Thế Hy và nhân cách Trang Thế Hy vẫn là câu chuyện được truyền tụng một cách trìu mến trong sinh hoạt tinh thần không chỉ riêng vùng đất Nam bộ và cũng không chỉ trong giới cầm bút.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Không chỉ có thế mạnh ở truyện ngắn, nhà văn Trang Thế Hy còn ghi dấu ấn ở thể loại thơ. Theo nhà thơ Ngô Thị Hạnh, thơ của “người hiền Nam Bộ” khác lạ so những nhà thơ đương thời và những nhà thơ khác bởi sự quan sát tỉ mỉ rất… văn, trong văn ông có thơ và trong thơ chú có văn. Sự kết hợp hiếm hoi này đã khiến thơ của chú như cứ kể cho người khác, cho nhân gian, không phải cho riêng mình.
Nhà văn Bích Ngân cho biết thêm, đọc tác phẩm Trang Thế Hy, mỗi người đều có thể dễ dàng tìm thấy sự chiêm nghiệm và sự bao dung. Đặc biệt, ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút. Trong truyện ngắn “Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn”, ông đã xây dựng hình ảnh nhân vật Tư Chơi “tuổi già của tôi lạnh lẽo thật, nhưng tôi không muốn sưởi ấm bằng hào quang của người khác” để gửi gắm thông điệp: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo”.
Bìa tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào cuối năm 2024. |
“Thái độ tự trọng ấy được nhất quán suốt cuộc đời Trang Thế Hy để ông thong dong làm một “người bào chế thuốc giảm đau”, như tên gọi một truyện ngắn ông viết năm 1963: “Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Năm 2014, Nhà xuất bản Trẻ đã ký kết tác quyền trọn đời với nhà văn Trang Thế Hy. Danh mục tác phẩm do nhà văn trao quyền xuất bản, phát hành cho Nhà xuất bản Trẻ bao gồm 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết. Cho đến nay, Nhà xuất bản đã cho ra mắt các tựa sách của ông gồm: Vết thương thứ mười ba, Đắng bitter và Ngọt sweet, Nợ nước mắt, Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy.
Những tác phẩm của ông chân thực, sinh động, có sự hài hước nhẹ nhàng, đậm tính nhân văn và đặc biệt là “kho” lưu giữ những từ vựng miền nam một thời.