Chương trình “Muôn nẻo yêu thương” ra mắt số đầu tiên vào ngày 28/7/2023, nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các hoạt động của tổ chức Công đoàn về công tác gia đình trong công nhân, viên chức, lao động.
Bền bỉ làm cầu nối san sẻ, lan tỏa yêu thương
Series 12 số trong năm 2023 là một chuỗi những câu chuyện dưới hình thức video - podcast, phản ánh thực tế về cuộc sống, công việc, tình yêu, hôn nhân, gia đình, nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, khát vọng vươn lên của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức lao động.
Chương trình là cơ hội để các cấp công đoàn nói chung, Ban nữ công Công đoàn các cấp nói riêng, có thêm kinh nghiệm, lựa chọn những giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương, ngành để áp dụng vào chỉ đạo, triển khai các hoạt động trong công tác gia đình đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn cùng đồng hành, hỗ trợ các nữ đoàn viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Hơn 1 năm qua, chương trình chứa đựng những câu chuyện đời thường, kể về nghị lực vượt khó, vươn lên của các nhân vật, cũng như sự đồng hành bền bỉ, lặng lẽ, làm chiếc cầu nối san sẻ, lan tỏa yêu thương của tổ chức công đoàn tới nhiều hoàn cảnh công nhân, lao động không may khắp mọi miền đất nước.
“Muôn nẻo yêu thương” số tháng 5 với chủ đề “Trạm yêu thương”, cũng là số đặc biệt, nhân dịp Tháng Công nhân kể về 4 câu chuyện xúc động của 4 nhân vật chính. Mỗi người là một phận đời khác nhau, tuy nhiên có một điểm chung đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực. Với tinh thần vượt khó, tích cực lao động sản xuất, cùng sự chung tay, động viên, hỗ trợ của tổ chức công đoàn Việt Nam, các chị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Chị Nguyễn Hà Diễm Châu (trái) và chị Phạm Thị Mai Phượng (phải) tại chương trình. |
Đó là hành trình dài suốt 22 năm đồng hành cùng đứa con tự kỷ của người mẹ đầy nghị lực và kiên trì Phạm Thị Mai Phượng, giảng viên tại Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Câu chuyện cả một quãng đời tuổi thơ của con gắn với hành trình mày mò, tự tìm kiếm cách thức cũng như các phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh cho con của chị Phượng, khiến cả hội trường không cầm được nước mắt.
Chị Phượng chia sẻ: "Mỗi một giai đoạn của đứa trẻ tự kỷ có một nỗi khó khăn, vất vả riêng. Hiện con tôi đã 22 tuổi, nặng 90kg, cháu đang phải uống thuốc 6 loại bảng A độc dược rất hại đến sức khỏe cũng như thần kinh. Tôi biết, tuổi thọ của một người mắc bệnh tự kỷ thường ngắn. Tôi cũng không chắc, tôi sẽ được ở cạnh con mình bao lâu, tôi hay con sẽ là người ra đi trước, nhưng tôi tâm niệm dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn dốc tâm sức để chăm sóc, yêu thương con nhất có thể".
Chủ tịch Công đoàn Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Kim Oanh dù gắn bó và làm việc, chứng kiến sự vất vả của đồng nghiệp suốt mấy chục năm qua, nhưng khi nghe chị Phượng kể lại quãng hành trình chăm sóc và nuôi dưỡng con vẫn thốt lên: "Chúng tôi thật sự luôn ngưỡng mộ và cảm phục tình yêu thương, nguồn năng lượng tích cực của chị Phượng, không chỉ trong việc sắp xếp thời gian khoa học vừa chữa bệnh, chăm sóc, đồng hành với con, chăm lo gia đình, chị còn đảm nhận rất tốt công việc cơ quan, thậm chí còn là một cán bộ công đoàn năng nổ, trách nhiệm".
Thấu hiểu tình cảnh của chị, lãnh đạo trường cũng như công đoàn luôn muốn tạo điều kiện hết sức cho chị, nhưng bản thân chị Phượng luôn không muốn "làm phiền" tập thể, không muốn vì việc riêng của gia đình mà ảnh hưởng đến công việc chung. "Đó là điều chúng tôi luôn ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của đồng nghiệp" - chị Oanh chia sẻ.
Những người tham dự chương trình còn xúc động bởi hành trình chiến đấu bệnh tật cùng đứa con gái nhỏ mắc bệnh ung thư máu của chị Nguyễn Hà Diễm Châu, nhân viên Phòng Hạ tầng - Trung tâm VNPT - IT Khu vực 3 - Thành phố Đà Nẵng.
Vào tháng 5/2021, khi con gái đầu tròn 3,5 tuổi thì phát hiện bệnh, bác sĩ chẩn đoán khả năng điều trị thành công dưới 30%. Đó cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Mất một tháng đầu tiên, chị Châu bị mất phương hướng bởi quá đau lòng và lo lắng khi không biết mình có đủ tài chính để chữa trị cho con không.
Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân phát biểu khai mạc chương trình. |
Thế nhưng, được sự hỗ trợ hết lòng của của Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn, và đồng nghiệp cả về vật chất lẫn tinh thần, chị Châu dần tĩnh tâm, vợ chồng chị quyết định để con điều trị ở bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Chị Châu chia sẻ: "Về mặt vật chất, tôi nhận được hỗ trợ từ tập đoàn, công ty, công đoàn và đồng nghiệp lên tới 500 triệu đồng. Đặc biệt, trong quá trình điều trị cho con, nguồn chế phẩm máu, tiểu cầu khan hiếm, lãnh đạo công ty chỉ đạo Trung tâm thành lập 1 tổ gồm các anh chị có chung nhóm máu với con tôi, sẵn sàng hỗ trợ gia đình bất kỳ lúc nào, dù đêm hay ngày khi con tôi cần máu để truyền.
Chính nhờ những sự giúp đỡ quý báu ấy, con đã cùng gia đình kiên cường trải qua 17 đợt hóa trị trong hơn 1,5 năm. Đến nay, sức khỏe con tôi đã ổn định, có thể bắt đầu có 1 tuổi thơ như bao đứa trẻ khác" - chị Châu nở nụ cười trong làn nước mắt cảm động.
Chạm tay vào hạnh phúc
Chương trình không chỉ lấy được những giọt nước mắt cảm động mà còn có cả những nụ cười ấm áp, hạnh phúc của những người đã thật sự chạm tay vào hạnh phúc.
Đối với hầu hết công nhân, lao động còn vất vả với cuộc sống thường nhật, hạnh phúc đối với họ nhiều khi đơn giản chỉ là có một gia đình có đầy đủ các thành viên trong bữa cơm chiều, không phải xa con, gửi con về quê nhờ ông bà nuôi; 1 mái ấm cho con mình học tập và sinh hoạt thoải mái. Hay 1 đám cưới bình dị để chứng nhận duyên vợ chồng. Nhưng nếu không có sự chung tay của tổ chức công đoàn, giấc mơ về một hạnh phúc giản dị ấy cũng khó lòng thành hiện thực.
Thật vậy, nhờ có sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, anh Nguyễn Tiến Lực, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Zhixing, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã thực hiện được ước mơ là nhìn thấy vợ mình - chị Lăng Thị Trinh công nhân Công ty TNHH Youngtech, khoác trên mình chiếc váy cô dâu.
Dù đã đăng ký kết hôn và có với nhau một bé trai bốn tuổi, nhưng do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, trong khi sức khỏe anh Lực lại đau ốm thường xuyên, khiến giấc mơ về một đám cưới của anh chị mãi chưa thành hiện thực.
Một ngày, công đoàn công ty thông báo vợ chồng anh viết và nộp hồ sơ đăng ký tham gia lễ cưới tập thể, dù lòng còn hoài nghi nhưng chị Trinh, vợ anh ngồi hì hụi viết đơn, gửi đăng ký nhưng trong lòng thầm nhủ "chắc gì đã đến lượt mình".
Thế rồi vào tháng 3, nhận được thông tin chính thức, sự vui mừng khiến cả đêm đó và nhiều đêm sau hai vợ chồng mất ngủ. Ngày 5/5 vừa qua, anh Lực và chị Trinh là một trong 7 cặp đôi được Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức đám cưới trong không khí trang trọng, đúng nghi thức và tràn đầy hạnh phúc.
Đám cưới tập thể do Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức. |
Còn công nhân Tống Thị Ngọc, công nhân tổ sản xuất Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics tại Bình Dương khi đã được ở trong ngôi nhà Mái ấm Công đoàn do Công đoàn công ty hỗ trợ được 1 thời gian nhưng vẫn chưa nguôi niềm xúc động kể: Công ăn việc làm, thu nhập vốn bấp bênh, cứ cuối tháng nhận lương, vợ chồng tôi lại lo trả nợ, đầu tháng đã rơi vào cảnh ăn đong.
Suốt thời gian dài, cả gia đình chị gồm 5 người sống trong nhà trọ rộng 12m2, xe máy khóa ngoài cửa, cả đêm lo ngay ngáy sợ mất trộm, chẳng được ngủ một giấc trọn vẹn. Khi đại dịch Covid-19 ập tới, kinh tế gia đình càng khốn đốn khi chồng chị Ngọc mất việc. Khó khăn chồng chất khó khăn những tưởng không thể vực dậy nổi cho đến khi tổ chức công đoàn Công ty đưa chị vào danh sách được hỗ trợ Mái ấm Công đoàn.
"Nhờ có tổ chức Công đoàn, gia đình tôi đã được ở trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang, 3 đứa con có chỗ ăn ở, sinh hoạt, học hành riêng, ai cũng thấy vui vẻ, vợ chồng hạnh phúc hơn nhiều so với cảnh ở trọ trước đây" - chị Ngọc cười rạng rỡ chia sẻ...
Tại chương trình, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân đề nghị: "Ban Nữ công công đoàn các cấp tiếp tục có những đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động về công tác gia đình, tuyên truyền đến toàn thể công nhân, viên chức lao động. Nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về tinh thần tương thân, tương ái sẻ chia trong cuộc sống; về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc".