Muôn cách học Bác, muôn việc làm vì dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ cán bộ: “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Qua nhiều năm triển khai, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Trong đó, tư tưởng vì dân, trọng dân của Bác ngày càng được các địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên cụ thể hóa bằng nhiều việc làm, cách làm sinh động, thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và nhân dân tham gia làm đẹp cảnh quan nông thôn mới tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh THANH SƠN)
Cán bộ và nhân dân tham gia làm đẹp cảnh quan nông thôn mới tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh THANH SƠN)

Việc có lợi cho dân phải hết sức làm…

Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hôm nay như được khoác bộ áo mới bởi con đường làng sạch đẹp rợp bóng cây, những cánh đồng dâu trải dài xanh ngát ven sông, cùng tiếng rộn ràng máy dệt của các hợp tác xã nuôi tằm, sản xuất chế biến sản phẩm OCOP.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Tuyết Nga vui vẻ chia sẻ, Việt Thành ngày càng có nhiều đổi thay bởi sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2015, xã tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và chỉ một năm sau lại được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2022).

Điểm khởi đầu “bứt phá” của Việt Thành là khi xây dựng nông thôn mới năm 2011. Đưa Việt Thành thoát nghèo đi lên là trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ xã. Dù xã không nằm trong danh sách chọn làm điểm của huyện và tỉnh nhưng đội ngũ cán bộ xã vẫn quyết tâm triển khai.

Lời Bác dạy “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” thành quyết tâm hành động, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, đề ra mục tiêu quy hoạch ba vùng kinh tế: Trồng dâu, nuôi tằm (gắn với vùng bãi ven sông); sản xuất quế (gắn với diện tích đất rừng); chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Xã tập trung xây dựng hạ tầng kết cấu nông thôn, làm đòn bẩy góp phần mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Các cán bộ xã Việt Thành không quản ngày đêm sát cánh cùng nhân dân, lúc xuống đồng hướng dẫn bà con chăm cây, khi cùng nhân dân lao động làm đường giao thông nông thôn. Nỗ lực của đội ngũ cán bộ xã dần được nhân dân ghi nhận và cùng tham gia gánh vác, giúp Việt Thành từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra.

Đến nay, địa bàn xã có bốn doanh nghiệp; năm hợp tác xã và 42 tổ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn tám lần so với thời điểm trước khi xây dựng nông thôn mới, từ mức bảy triệu đồng năm 2011, đến hết năm 2023 đã đạt gần 60 triệu đồng, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Xã không còn hộ nghèo; số hộ khá, giàu đạt hơn 70%. Đảng bộ xã nhiều năm liên tục luôn giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo lời dạy trọng dân của Bác trong phương pháp chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành là bài học của Đảng ủy xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, xã chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp.

Để có hạ tầng tốt, địa phương phải chuyển đổi 430/630 ha đất nông nghiệp sang xây dựng khu công nghiệp. Chủ trương được nhân dân đồng thuận cao, dù vậy, trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn có không ít khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Thụy Liên Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, ngoài những băn khoăn, thắc mắc về giá cả bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp sau thu hồi đất ruộng… còn cả những vấn đề nhạy cảm liên quan đến phong tục, tập quán, như việc di dời các nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ lâu đời.

Nhớ lời Bác căn dặn: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, mà việc gì cũng thành công”, đội ngũ cán bộ xã kiên trì gặp gỡ, trao đổi để người dân hiểu, chấp hành chủ trương của chính quyền.

Có trường hợp phải di dời một ngôi mộ lâu đời mà người nhà đã chuyển vào sinh sống tại Đà Nẵng, đồng chí đã tìm kiếm điện thoại của người nhà để trao đổi, thuyết phục. Việc trao đổi kéo dài gần hai tháng (số lượng tin nhắn qua lại mà in ra tới hơn 20 trang giấy).

Nội dung chủ yếu phân tích yêu cầu phát triển của địa phương và đề cao tinh thần đóng góp của người dân, nhất là những người con xa quê. Qua đó, người dân đã nhất trí, đồng thuận để chính quyền xã tiến hành di dời. Bằng kiên trì, khéo léo, đội ngũ cán bộ xã thuyết phục được bà con đồng ý di dời hơn 1.000 ngôi mộ vào nghĩa trang mới, dành đất cho phát triển công nghiệp.

Thấm nhuần lời Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đối với những việc khó khăn, phức tạp, nhiều cán bộ, đảng viên đã xung phong đi đầu và được nhân dân tin tưởng, làm theo. Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ (Thái Nguyên) ban hành Nghị quyết lãnh đạo phong trào “mở rộng đường xóm 6m”-“quyết sách” có ý nghĩa đột phá, mang lại lợi ích lớn cho người dân.

Đường lớn không chỉ thuận tiện trong giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển nhiều mô hình kinh tế mà nhân dân đang triển khai như: Du lịch sinh thái, sản xuất chè hàng hóa, cây trồng vật nuôi tập trung, quy mô lớn… Tuy nhiên, để mở rộng đường sẽ phải hiến đất, thậm chí phá dỡ tường rào, một phần nhà đang sử dụng…

Tại xã Mỹ Hào, Bí thư Chi bộ xóm Trại Cọ Dương Quốc Bảo là người đầu tiên xung phong cùng gia đình hiến 300 m2 đất và tự tay phá bỏ tường rào, mở rộng đường. Việc làm của đồng chí đã được nhân dân toàn xã noi theo. Bà con khi hiểu rõ chủ trương đã đồng thuận hiến hơn 4.000 m2 đất mở rộng đường các xóm từ 3m lên 6m và xã đã trở thành địa phương hoàn thành sớm nhất nghị quyết của Huyện ủy.

Những tấm gương học và làm theo lời dạy của Bác: “những việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm” đang được đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày ngày nhân rộng trên các lĩnh vực, địa phương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Sửa đổi lối làm việc, hết lòng phục vụ nhân dân

Việc học tập và làm theo Bác được đội ngũ cán bộ, đảng viên miệt mài thực hiện với những mô hình sáng tạo, có sức lan tỏa rộng rãi; ngày càng đi vào chiều sâu trong từng lời nói, hành động. Quyết tâm xây dựng hình ảnh người cán bộ trọng dân, vì dân trên tinh thần tự thân, tự giác, tự điều chỉnh hành vi là việc mà đội ngũ cán bộ, đảng viên đang tích cực triển khai.

Tháng 6/2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam xây dựng mô hình thí điểm “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” cấp xã tại 14 xã, phường, thị trấn. Đây là việc học và làm theo Bác gắn với thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm khắc phục khuyết điểm về bệnh quan liêu, xa dân, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Mô hình thay đổi cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở. Để triển khai, UBND các xã đề ra các quy tắc trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức thực hiện: 5 biết “Biết nghe dân nói; biết nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi; biết cảm ơn”;

3 thể hiện “Tôn trọng: trong quan hệ giao tiếp; Văn minh: lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc; Gần gũi: trong quan hệ, giải quyết công việc nhanh chóng” trên địa bàn... Sau thời gian ngắn, mô hình đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Từ thành công của Hà Nam, nhiều địa phương đã triển khai “chính quyền thân thiện” gắn với tình hình địa phương và điều kiện công tác.

Năm 2020, “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở cấp cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động, qua đó đã giải quyết được hơn hai nghìn vụ việc về chế độ chính sách tại nhà cho người già yếu, người khó khăn đi lại trên địa bàn.

Năm 2021, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang và Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” hướng tới ba tiêu chí: Cán bộ thân thiện; hoạt động của chính quyền thân thiện; môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện với nhân dân. Gần đây, tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình triển khai đề án xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Khảo sát thực tế cho thấy mô hình được nhân dân nhiệt tình đón nhận vì những chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ trong tinh thần, thái độ giao tiếp cũng như kết quả phục vụ.

Nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương đã chủ động tiếp nhận góp ý của nhân dân, qua đó sửa đổi lối làm việc. Năm 2014, Đảng ủy xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) quyết định xây dựng mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”. Mô hình nhận được sự khen ngợi và tham gia đông đảo của nhân dân. Trong nhiều năm triển khai, xã Đông Phước A tổ chức đối thoại với nhân dân hơn 100 cuộc, ghi nhận hơn 1.000 lượt ý kiến.

Từ đó, Đảng ủy, UBND xã đã kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân và chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Cũng từ thực tiễn địa phương, tại Quảng Nam, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình chọn “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, bởi là ngày nghỉ cuối tuần sẽ có nhiều người tham gia hơn. Kết quả đã có hàng trăm lượt bà con đến dự và mạnh dạn bày tỏ nhiều ý kiến thuộc các lĩnh vực, từ thủ tục hành chính, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường đến ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên…

Việc chủ động lắng nghe góp ý của nhân dân đã lan tỏa khắp các cấp, ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cả nước, trở thành một phương thức hoạt động của cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhằm hoàn thiện mô hình, tổ chức, cơ chế vận hành, điều chỉnh hành vi, chuẩn mực đạo đức đội ngũ cán bộ để phục vụ nhân dân được tốt nhất. Sôi nổi tại Quảng Nam là các diễn đàn: “Đảng lắng nghe dân nói” (huyện Phước Sơn); “Lắng nghe trẻ em nói” (Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, thành phố Tam Kỳ)…

Tại An Giang, Huyện ủy Thoại Sơn tổ chức diễn đàn “Lắng nghe dân nói” 2020-2025, qua đó đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân về việc tổ chức triển khai và thực hiện nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng; công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới và phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

Mới đây, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có văn bản chỉ đạo về tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình “Ngày thứ sáu tuần cuối hằng tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng trả lời, xử lý các kiến nghị của nhân dân thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện mô hình.

Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phải xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện mô hình trên địa bàn quản lý; chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện mô hình bảo đảm hiệu quả thực chất, tránh hình thức…

Hàng trăm cách làm, hàng nghìn mô hình được xây dựng, triển khai với tinh thần cầu thị, lắng nghe nhân dân. Các tổ chức đảng, địa phương, đơn vị đã đưa việc học và làm theo Bác trở thành “vũ khí” chống lại những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tròn bổn phận “người đày tớ trung thành của nhân dân”; góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với nhân dân.