Hội nghị bàn giao chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị

Chiều 5/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị bàn giao chức vụ Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết và các đại biểu chứng kiến Trung tướng Trương Thiên Tô và Thiếu tướng Nguyễn Bá Hùng ký kết biên bản bàn giao. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết và các đại biểu chứng kiến Trung tướng Trương Thiên Tô và Thiếu tướng Nguyễn Bá Hùng ký kết biên bản bàn giao. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Theo đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng về việc bổ nhiệm chức vụ cán bộ; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, tại hội nghị, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nguyên Bí thư Ðảng ủy, nguyên Chính ủy Học viện Chính trị) đã bàn giao chức vụ Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị. Người nhận bàn giao là Thiếu tướng Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Học viện.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chúc mừng Trung tướng Trương Thiên Tô vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ðồng chí Trương Thiên Tô được đào tạo cơ bản; trưởng thành từ cán bộ chính trị cấp phân đội đến Phó Chính ủy quân khu, Chính ủy Học viện Chính trị, qua các cương vị công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ðối với Thiếu tướng Nguyễn Bá Hùng là cán bộ được đào tạo cơ bản, trình độ phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng thành qua các chức vụ trong nhà trường và thực tế tại đơn vị. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; có kinh nghiệm trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như trong chỉ huy, quản lý đơn vị và chỉ đạo tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết mong muốn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Hùng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao hơn nữa năng lực công tác, cùng tập thể Ðảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ được giao...

Hội nghị bàn giao chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

* Sáng 5/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược của Việt Nam và thăm dò một số diện tích có triển vọng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, nhất là đất hiếm, của thế giới, chúng ta cần có đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược, xác lập cơ sở dữ liệu đầy đủ, làm căn cứ để xây dựng chiến lược, khung chính sách quản lý và sử dụng khoáng sản chiến lược phù hợp xu thế và nhu cầu thị trường quốc tế…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược của Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ mang tính tổng thể và chiến lược đối với ngành công nghiệp khai khoáng của đất nước.

Trước hết, Ðề án cần đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản chiến lược, nhất là đất hiếm, đối với các ngành công nghiệp mới nổi, nguồn cung-cầu trên toàn cầu; tác động, ảnh hưởng của các khoáng sản chiến lược đến hoạt động kinh tế, thương mại, ngoại giao, địa chính trị… trong khu vực và thế giới; vị trí, tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Ðề án không chỉ dừng lại ở hoạt động điều tra, đánh giá, thăm dò, mà phải tham mưu, đề xuất những chủ trương, quan điểm lớn của Ðảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, phát triển ngành công nghiệp khoáng sản chiến lược của đất nước. Ðồng thời kiến nghị triển khai một số dự án thí điểm trong thăm dò, điều tra, khai thác, chế biến, sử dụng, với trọng tâm là lựa chọn công nghệ, đối tác chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp đối với các tài nguyên khoáng sản chiến lược…