Mục tiêu hạnh phúc trong phát triển bền vững ở Bắc Ninh

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố thông minh, sinh thái, lấy công nghiệp hiện đại, công nghệ cao làm động lực.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau một thời gian triển khai, tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nỗ lực khắc phục tồn tại phát sinh từ quá trình công nghiệp hóa như môi trường, chênh lệnh thu nhập, an sinh xã hội… tạo cuộc sống hạnh phúc trong nhân dân nhằm phát triển bền vững.

Hướng tới đô thị công nghiệp xanh

Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm động lực phát triển kinh tế-xã hội. Từ thực tiễn, nhận rõ những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển công nghiệp, tỉnh đề ra nhiều giải pháp khắc phục, ngăn chặn dần tiến tới loại bỏ. Bắt đầu từ đổi mới nguyên tắc đầu tư với các tiêu chí “hai ít, ba cao”. Đó là ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng ít lao động nhưng có suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy, khi đưa ra tiêu chí này, nhiều ý kiến băn khoăn sợ “tiêu chuẩn” quá cao. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố, địa phương cũng đang cạnh tranh trong tìm kiếm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Tỉnh ủy thống nhất cao với quan điểm không đánh đổi tăng trưởng kinh tế lấy ô nhiễm môi trường. Bù lại, tỉnh sẽ tạo lực hấp dẫn thu hút khác, đó là luôn chủ động với bốn sẵn sàng: mặt bằng, nguồn nhân lực, cải cách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang, trước điều kiện, tình hình mới, tỉnh đã nâng tiêu chí “4 sẵn sàng” lên “5 sẵn sàng”, thêm sẵn sàng ứng phó, kiểm soát tốt tình hình khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là trong khu, cụm công nghiệp.

Đây chính là “an toàn để đầu tư, an tâm để sản xuất”. Điều đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc bảo vệ thành trì vững chắc cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, Bắc Ninh luôn xác định yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn trên cả nước như hiện nay.

Ngay từ năm 2019, tỉnh đã xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025. Trong đó đề ra các giải pháp cụ thể xử lý từng loại ô nhiễm như: chất thải rắn công nghiệp, bệnh viện, khói bụi, tiếng ồn… Đến nay, các khu công nghiệp đều hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Một số cụm công nghiệp nhỏ, làng nghề cũng đã có những chuyển biến tích cực, Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du từng là điểm nóng phức tạp về ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải từ các cơ sở sản xuất giấy, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Để khắc phục, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi bảo đảm ba yếu tố. Nước thải được xử lý tuần hoàn 100% và không có nước thải ra môi trường. Mua hơi thương phẩm và phá bỏ toàn bộ lò hơi, ống khói. Rác thải, phế liệu được tập kết đúng quy định và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Đến nay, tình trạng ô nhiễm được ngăn chặn. Tỉnh cũng thống nhất lộ trình sẽ dừng những cụm công nghiệp như này vào năm 2029 nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Hướng tới một cuộc sống chất lượng cao, Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo công tác bổ sung xây dựng quy hoạch theo hướng đô thị văn minh, sinh thái. Giám đốc Sở Xây dựng, Nguyễn Việt Hùng chia sẻ, Bắc Ninh đặc biệt chú ý đến quy hoạch các hành lang xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, nhiều khu đô thị sẽ được quy hoạch theo hướng khu đô thị xanh như: khu Tây Bắc thành phố Bắc Ninh; khu du lịch Phật Tích; khu sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du, thành phố Từ Sơn; khu tổ hợp đô thị, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí tại huyện Thuận Thành... Đây sẽ là những điểm nhấn trong nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới một thành phố xanh, sạch đáng sống.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, năm 2021, Bắc Ninh đã vượt qua những khó khăn, thách thức, trở thành điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Kinh tế tỉnh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ bảy vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,67%; xuất khẩu hàng hóa tăng 15,7% (đứng thứ nhất toàn quốc). Đặc biệt, thu hút đầu tư của Bắc Ninh vẫn đạt kết quả rất khả quan về cả số lượng cũng như chất lượng theo các nguyên tắc đã đề ra. Với đầu tư trong nước, tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư 53 dự án với tổng vốn 19.116,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 938,8 triệu USD (đứng thứ tám cả nước về quy mô vốn thu hút đầu tư).

Coi trọng các vấn đề quyền con người

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Chung cho biết, song song với lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, Tỉnh ủy luôn quan tâm cải thiện môi trường, điều kiện văn hóa, tinh thần của người dân, lấy hạnh phúc của nhân dân là thước đo cho sự phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ căn cốt của Đảng bộ tỉnh là làm sao thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, tạo cơ hội bình đẳng trong hưởng thụ tiện ích xã hội của tất cả nhân dân. Do vậy, tỉnh tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đến nay 100% số xã và 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Đức Xuân, tỉnh đang đổi mới việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn. Sẽ hình thành khu vực dân cư và kết cấu hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Xây dựng điểm một số mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị văn minh mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Như vậy khoảng cách giữa thành thị với nông thôn sẽ dần ranh giới về cơ sở vật chất.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy chỉ đạo tái cơ cấu theo hướng tăng cường liên kết, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, tỉnh đã hình thành 552 vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng thuận tiện cộng với cơ chế khuyến khích tạo động lực đã thu hút lượng lớn thanh niên quay về nông thôn lập nghiệp. Mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP của chàng trai trẻ Phạm Văn Sơn sinh năm 1991 là một thí dụ.

Vốn là kỹ sư tin học làm việc tại thành phố, công việc ổn định nhưng cơ hội làm giàu không có. Được biết tỉnh có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, anh mạnh dạn về xã Đại Bình và Đại Xuân, huyện Quế Võ thuê đất trồng cây măng tây. Phát huy thế mạnh tin học, qua internet anh tìm hiểu quy trình chăm sóc, có thêm hướng dẫn, động viên của cán bộ khuyến nông tỉnh, mô hình của anh năm đầu trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Để tiếp sức, Tỉnh đoàn Bắc Ninh bảo lãnh cho anh vay 900 triệu đồng mở rộng sản xuất. Đến nay mô hình là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, được nhiều bạn trẻ học tập.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Chung, với quan điểm giáo dục là tiêu chí đứng đầu trong các chỉ số về hạnh phúc, tỉnh quan tâm từ rất sớm việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tháng 6/2014, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua tám năm triển khai, chất lượng giáo dục và đào tạo toàn tỉnh đạt nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều chỉ tiêu vươn lên dẫn đầu toàn quốc như: phổ cập giáo dục các cấp học; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ phòng học kiên cố… Tỉnh xếp thứ bảy toàn quốc về tỷ lệ đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thứ sáu toàn quốc và thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng về số thí sinh đạt giải nhất tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Bên cạnh đó, sức khỏe nhân dân được tỉnh quan tâm chăm sóc ngày một tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (mô hình trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc cộng đồng) được chỉ đạo xây dựng, phát triển nhanh. Chất lượng công tác y tế dự phòng nâng cao đủ năng lực dự báo, giám sát, kiểm soát dịch bệnh. Nhiều chính sách an sinh xã hội đã kịp thời động viên, khích lệ, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân vươn lên. Trong năm 2021, tỉnh hỗ trợ cho người lao động và nhân dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 224 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,15% (theo chuẩn mới). Thu nhập thực tế bình quân đầu người tăng theo từng năm, hiện đứng thứ năm toàn quốc.

Qua hơn một năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, bài học quan trọng mà Tỉnh ủy Bắc Ninh rút ra là sự đoàn kết, thống nhất cao trong đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò then chốt. Vì vậy, năm 2022, Tỉnh ủy xác định tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế, đồng thời chăm lo tốt nhất mọi mặt cuộc sống cho người dân.

Lê Mậu Lâm, Văn Toán