Mưa lớn gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT), bão số 12 làm hai người chết, một người mất tích và năm người bị thương; hơn 310 nhà dân bị sập, tốc mái, hư hỏng; hơn 2.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 2.400 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hỏng. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị các địa phương vận hành công trình tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất; khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân...

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão Vamco ở khoảng 14,7 độ vĩ bắc; 122,9 độ kinh đông, cách phía nam đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 130 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km và đi vào Biển Ðông. Ðến 19 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là cấp 12, giật cấp 15 và di chuyển theo hướng tây. Ðến 19 giờ ngày 13-11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là cấp 12, giật cấp 15.

Ðến 19 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía tây, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là cấp 11, giật cấp 14.

* Ðể chủ động ứng phó với bão Vamco, ngày 11-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 37/CÐ-TW đề nghị các địa phương ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và tại các khu neo đậu; rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn, sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo... đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

* Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), mưa to đến rất to kéo dài khiến nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Sạt lở nghiêm trọng nhất là tuyến đường Trường Sơn Ðông thuộc xã Sơn Long, đã được chính quyền địa phương lập rào chắn cảnh báo khu vực đường có nguy cơ sạt lở. Tối 10-11, hai người đi xe máy cố tình vượt rào cảnh báo đúng lúc sạt lở nên bị đất, đá vùi lấp bị thương. Hiện nay, xã Sơn Long và Sơn Lập mất điện hoàn toàn. Trong khi đó, hơn một tháng qua, do biển động mạnh nên đảo Bé, huyện Lý Sơn bị cô lập hoàn toàn dẫn đến nguồn lương thực dần cạn kiệt. Chính quyền huyện Lý Sơn đã xuất cấp 1,5 tấn gạo hỗ trợ 100 hộ dân. Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 11-11, tuyến đường quốc lộ 40B tại địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra vụ sạt lở đất làm một người bị vùi lấp và một người khác bị thương. Các cơ quan chức năng đang huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm nạn nhân.

* Do ảnh hưởng của mưa lớn nên quốc lộ 49A từ TP Huế đi huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) xảy ra sạt lở núi tại Km 76+500, khiến đất đá tràn xuống  lòng đường gây ách tắc giao thông. Trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk, mưa, lũ làm ngập lụt khoảng 15 xã thuộc các huyện M’Drắk, Lắk, Krông Bông, Krông Năng, Ea Kar. Trong đó có hơn 6.000 dân thuộc huyện M’Drắk bị cô lập, chia cắt, đến nay nước đã rút. Do ảnh hưởng của bão số 12, tại tỉnh Gia Lai có mưa lớn làm nước sông Ba dâng cao tràn qua quốc lộ 25 ở khu vực cầu Ia Sao, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa khiến các phương tiện giao thông không qua lại được. Lực lượng chức năng đã cử người chốt chặn hai bên đầu cầu để cảnh báo cho các phương tiện lưu ý khi lưu thông qua khu vực này. Tại tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của mưa lớn nên tuyến đường 673 ở huyện Ðăk Glei xuất hiện gần chục điểm sạt lở ở ta-luy dương và cây cối bị đổ xuống mặt đường. Còn tuyến đường 676 địa bàn huyện Kon Plông cũng có gần mười điểm sạt lở ta-luy dương, trong đó sáu điểm sạt lở nặng với hàng nghìn khối đất đá, cây đổ gây ách tắc giao thông. Ngày 11-11, do nước sông Phước Giang lên cao gây ngập lụt hơn 1.500 hộ dân ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Nhiều tuyến đường ở thị trấn Chợ Chùa cũng bị ngập sâu, phương tiện giao thông không thể qua lại.

* Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn khiến các sông trên địa bàn xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông các huyện: Hướng Hóa và Ða Krông, các xã phía tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. UBND huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ di dời, tái định cư cho 220 hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn.

* Ðể ứng phó với bão Vamco, TP Ðà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương chủ động các phương án khi bão đổ bộ kéo theo mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; có phương án sơ tán người, tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu... Từ 14 giờ ngày 11-11, tỉnh Bình Ðịnh đề nghị các ngành, địa phương nghiêm cấm không cho tàu, thuyền xuất bến cho đến khi có bản tin thông báo cuối cùng về bão Vamco.

* Ngày 11-11, Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NN và PTNT) đến  Quảng Bình kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại buổi làm việc, đoàn công tác đề nghị tỉnh chú trọng khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, tỉnh cần thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, bảo đảm môi trường an toàn, sạch bệnh… Dịp này, Bộ NN và PTNT trao hơn 33 tỷ đồng hỗ trợ Quảng Bình khắc  phục hậu quả lũ lụt.

Ðể từng bước khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt, UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vừa quyết định phân bổ hai tấn hạt giống cho bà con nông dân 26 xã, thị trấn và chín đơn vị sản xuất sau lũ lụt.

* Tỉnh Quảng Trị vừa quyết định phân bổ 50 tấn hóa chất Chlorine 65%min cho các địa phương để tiến hành xử lý môi trường nuôi thủy sản sau các đợt mưa lũ vừa qua. UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn đề nghị Bộ NN và PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ hỗ trợ 50.000 liều vắc-xin lở mồm long móng type O, A; 30.000 liều hóa chất BenKocid và 10 tấn hóa chất Sodium Chlorite để thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng và tiêm phòng sau lụt bão.

* Ðến ngày 10-11, Bộ NN và PTNT đã huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho nhân dân năm tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, gồm: giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... ước tính gần 150 tỷ đồng. Bộ cũng đã cấp phát hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền trung tổng số 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vắc-xin, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. Bộ NN và PTNT đang tổng hợp báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh miền trung đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

* Bão số 12 trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh đã gây ra 77 vụ sự cố lưới điện, làm mất điện gần 170 nghìn khách hàng, 1.729 trạm biến áp phân phối, 35 xã, phường trong toàn tỉnh bị ảnh hưởng mất điện. Thiệt hại do bão gây ra làm 21 cột điện trung và hạ thế bị gãy đổ, nghiêng... Tính đến 14 giờ chiều 11-11, Ðiện lực Bình Ðịnh đã khôi phục sự cố lưới điện cho hơn 98% số khách hàng và cấp điện lại cho 16.200 khách hàng bị ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện còn gần 8.000 khách hàng thuộc khu vực phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn và xã Cát Lâm, huyện Phù Cát đang thực hiện khắc phục sự cố lưới điện.