Mưa đá, dông lốc gây thiệt hại ở hai tỉnh Lào Cai và Thanh Hóa

Đêm 18, rạng sáng 19-3, tại hai xã Dương Quỳ và Hòa Mạc, huyện Văn Bàn (Lào Cai) xảy ra dông lốc, kèm theo mưa đá, làm 30 ha lúa, hoa màu bị đất, đá vùi lấp; 45 nhà ở của người dân bị hư hỏng. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai, đây là dạng thời tiết khác thường, trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra dông lốc và mưa đá trên diện rộng, vì vậy các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần có biện pháp chủ động phòng, chống.

* Cũng trong đêm 18-3, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra dông và lốc xoáy, mưa đá trên diện rộng, gây thiệt hại. Tại huyện Như Thanh lốc xoáy kèm theo mưa đá làm gần 250 ngôi nhà, trường học, nhà xe, chuồng trại bị tốc mái, hư hỏng nặng, 10 cột điện trung thế và hàng chục cột điện hạ thế, cột cáp viễn thông bị gãy đổ, hơn 2.100 m dây điện bị đứt, nhiều diện tích lúa, hoa màu, rau đậu các loại bị gió, mưa đá làm dập nát. Tại huyện Thạch Thành, hai nhà xưởng và hai nhà ở bị đổ, tốc mái gần 88 nhà dân, 18 nhà bị hư hỏng; 10 ha mía, hai ha cây ăn quả, 231 ha cây lâm nghiệp, 241 m2 tường rào, 29 cột điện bị đổ, 60 công trình khác hư hỏng. Ước thiệt hại hơn 16,8 tỷ đồng. Hiện cấp ủy, chính quyền các huyện, xã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần tại chỗ, nỗ lực khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

* Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các tỉnh phía bắc đề phòng bệnh đạo ôn phát sinh phát triển trên lúa vụ đông xuân giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Nông dân cần sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để hạn chế sự lây lan của bệnh... Trên trà lúa đông xuân sớm, giai đoạn làm đòng - chắc xanh, rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn lá, cổ bông, lem lép hạt… gây hại chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đề phòng trà lúa đông xuân giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị ốc bươu vàng, sâu keo, ruồi đục nõn, bọ trĩ gây hại nhẹ, rải rác.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người nuôi thủy sản trong địa bàn tỉnh những biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập các tổ công tác nắm tình hình và thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tiến hành lấy mẫu cảnh báo môi trường, kịp thời phát hiện các tác nhân tiêu cực có khả năng ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản, cảnh báo và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục khi cần thiết.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm thường gặp trên tôm nuôi, qua đó để phòng bệnh đốm trắng, sử dụng giống khỏe mạnh; tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, khử trùng ao nuôi và dụng cụ, phương tiện bảo hộ; sử dụng thức ăn có chất lượng tốt; xử lý nguồn nước trước và sau khi đưa vào ao nuôi; kiểm tra định kỳ chất lượng nước ao nuôi...

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, do biến động của yếu tố môi trường và các bệnh đốm trắng trên tôm, hoại tử gan tụy cấp, đến nay đã có hơn 370 ha trong tổng diện tích 45.000 ha thả nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại. Chi cục khuyến cáo, khi có dấu hiệu bệnh vi-rút đốm trắng, người nuôi cần báo ngay cho thú y viên tại địa phương hoặc cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

* Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong tổng số hơn 7.000 hộ thả nuôi tôm trên diện tích 9.315 ha, đã có hơn 213 ha của 489 hộ ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải bị thiệt hại do thời tiết bất thường. UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản chỉ đạo các huyện khuyến cáo người dân chậm thả tôm giống, hạn chế nuôi rải vụ, chỉ thả tôm thăm dò một vài ao sau đó mới tiến hành nuôi đại trà.